Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

T.Nhân-H.Trường - 06:04, 24/04/2024

Những năm qua, tỉnh Khánh Hoà dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục miền núi, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ học sinh có điều kiện ăn ở ổn định. Ngoài các chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thực hiện hỗ trợ chi phí từ khi học mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học; hỗ trợ gạo, miễn, giảm học phí…; tặng quà, học bổng từ các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh dành cho học sinh, sinh viên DTTS.

Cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi được tỉnh Khánh Hoà quan tâm đầu tư
Cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi được tỉnh Khánh Hoà quan tâm đầu tư

Nhiều chính sách hỗ trợ

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định điều chỉnh chế độ ăn trưa cho trẻ em học mẫu giáo và học bổng cho học sinh tiểu học người DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định, toàn bộ trẻ học mẫu giáo (3-5 tuổi) và học sinh tiểu học là con em đồng bào DTTS ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã miền núi, thôn miền núi thuộc các huyện đồng bằng, học sinh con em đồng bào DTTD diện hộ nghèo sống rải rác ở địa bàn các xã, phường, thị trấn không thuộc các xã miền núi trên địa bàn tỉnh đều được tăng mức hỗ trợ.

Cụ thể, tiền ăn trưa cho trẻ em học mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi có đi học tại các trường học 2 buổi/ngày mức 330.000 đồng/trẻ/tháng (tăng 110.000 đồng theo quyết định cũ). Tỉnh hỗ trợ học bổng cho học sinh Tiểu học có ăn trưa tại trường học 2 buổi/ngày với mức 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 100.000 đồng), hỗ trợ học bổng cho học sinh Tiểu học không ăn trưa tại trường 180.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 60.000 đồng). Việc hỗ trợ tiền ăn qua nhiều năm triển khai giúp học sinh đến lớp đạt tỷ lệ cao, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, thể trạng cho trẻ vùng cao tỉnh Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành Nghị quyết hỗ trợ học phí 5 tháng của năm học 2023-2024 đối với toàn bộ trẻ mầm non và học sinh phổ thông, học sinh giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập, tổng mức hỗ trợ khoảng 44 tỷ đồng.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên DTTS nhận sự quan tâm đặc biệt từ các tổ chức chính trị, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Em Phan Thị Thanh, người Mường (sinh năm 2005) quê ở thị trấn Khánh Vĩnh, huyện miền núi Khánh Vĩnh cho biết: Sau khi học xong lớp 12 tại địa phương, em tham gia học dự bị năm thứ nhất Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang. Gia đình em Thanh thuộc hộ cận nghèo, một mình mẹ phải nuôi 4 người con ăn học. Học tập tại trường, Thanh có học bổng nên mọi chi phí ăn ở, học tập không còn là gánh nặng cho gia đình.

Học sinh miền núi Khánh Hoà vui mừng vì được học tập trong những ngôi trường mới
Học sinh miền núi Khánh Hoà vui mừng vì được học tập trong những ngôi trường mới

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định: Các chương trình chăm lo cho học sinh, sinh viên người DTTS những năm qua được thực hiện tốt. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho nhân dân, nhất là học sinh người DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. “Ngoài quyết sách của tỉnh, sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ các nguồn vận động đóng vai trò quan trọng, giúp các em có điều kiện tốt hơn, vươn lên trong học tập”, ông Tuân chia sẻ thêm.

Tiếp tục đầu tư cho giáo dục miền núi

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non người DTTS đến trường tiểu học; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS; góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa của đồng bào các DTTS.

Năm học 2023-2024, các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, thành phố Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt (theo các tài liệu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt) cho trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1 trong hè và cho học sinh tiểu học trong năm học; duy trì việc bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về việc tăng cường tiếng Việt; xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh thông qua các hoạt động thư viện; tổ chức các hoạt động giáo dục ở trong và ngoài nhà trường…

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hoà chú trọng đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy và học tập cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, PTDTNT, trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Năm học 2023-2024, có 37 trường mầm non, 56 trường tiểu học, 21 trường THCS, 11 trường THPT được đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, trang thiết bị dạy học, ước tính tổng kinh phí thực hiện trong năm 2023 hơn 701 tỷ đồng.

Chất lượng giáo dục ở miền núi Khánh Hoà không ngừng được nâng lên
Chất lượng giáo dục ở miền núi Khánh Hoà không ngừng được nâng lên

Tại điểm trường Tà Giang 2: Trường Tiểu học và THCS Thành Sơn (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) được xây lại với kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Giờ đây trường đã có 5 phòng học, 1 phòng thiết bị; bàn ghế, bảng viết mới; hệ thống nước sạch cũng đã hoàn thành lắp đặt. Đồng thời, điểm trường thôn Tà Giang 2 vừa xây mới 4 phòng bộ môn, nâng cấp khu nội trú, nhà ăn, bếp, công trình vệ sinh, nước sạch và một số công trình phụ trợ khác, với hơn 14 tỷ đồng đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Hệ thống các trường PTDTNT được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, trong các dự án đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 cho các trường PTDTNT có 3 dự án (Trường PTDTNT Khánh Vĩnh, Trường PTDTNT Cam Ranh, Trường PTDTNT tỉnh) đang triển khai với tổng mức đầu tư hơn 34,2 tỷ đồng.

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cho biết: Khánh Hoà được coi là một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển miền núi và vùng DTTS. Đến nay, phần lớn các thôn, buôn, làng, xã ở các huyện miền núi đều có nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS. Phần lớn trường học tại vùng đồng bào DTTS đều được xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Số trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày tăng lên. Việc tổ chức tăng cường dạy tiếng Việt trong năm học và trong hè; tổ chức bán trú; triển khai đề án Sữa học đường, trẻ em mầm non, tiểu học 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được uống sữa miễn phí… cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thu hút học sinh đến lớp. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.