Tuy nhiên, do hầm được xây dựng cách đây gần 90 năm nên đã xuống cấp cộng thêm nền đất yếu gây khó khăn cho đơn vị thi công khắc phục. Đến ngày 16/4, đơn vị thi công tổ chức nhiều mũi khoan sâu hơn 23 m từ đỉnh núi xuống vị trí sạt lở giữa hầm Bãi Gió để bơm bê tông, gia cố mái hầm sau sự cố sạt lở.
Bên trong hầm công nhân dùng các thanh thép hàn để trợ lực cho mái hầm, những vị trí đã gia cố chắc chắn sẽ được phun bê tông làm cứng. Phương án khoan từ đỉnh núi xuống trần hầm để bơm bê tông gia cố cũng được tiến hành song song.
Các mũi khoan này được đơn vị thi công tổ chức từ sáng 14/4. Đến nay đã có hàng trăm khối bê tông được bơm xuống độ sâu khoảng 23 m tính từ đỉnh núi xuống trần hầm Bãi Gió ngay khu vực xảy ra sạt lở.
Khi nào đảm bảo gia cố được địa tầng trên đỉnh hầm, khơi thông được vị trí sạt, chống vách ổn định sẽ cho thông hầm để tàu qua. Khi đó, đơn vị thi công sẽ thông báo địa phương để mở lại đường bộ qua đèo. Hiện, các đơn vị thi công đang nỗ lực tối đa công sức để xử lý sự cố sạt lở sớm nhất”, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải, thông tin.
Trước đó, lúc 12 giờ 45 ngày 12/4, tại hầm Bãi Gió trên đường sắt Bắc - Nam đoạn qua đèo Cả bị sạt lở, hàng trăm m3 đất đá lấp kín cửa hầm. Sự cố khiến đường sắt Bắc - Nam qua đèo Cả bị chia cắt hoàn toàn. Ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương chỉ đạo chủ đầu tư dự án và các cơ quan trực thuộc huy động tối đa tất cả các nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, khẩn trương thông tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM trong thời gian sớm nhất.