Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Khai mạc Triển lãm "Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên"

Lam Anh - 10:42, 22/11/2022

Tối 21/11 tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam (số 1, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tổ chức Khai mạc Triển lãm "Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh- Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên".

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã đến dự và cắt băng khai mạc Triển lãm "Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh- Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên"
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã đến dự và cắt băng khai mạc Triển lãm "Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh- Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên" (ảnh: Thanh Tùng)

Triển lãm "Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên" năm 2022 là sự kiện được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chỉ đạo Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam phối hợp cùng Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố Hà Giang, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Đăng Chương, Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước. Kho tàng di sản văn hóa đồ sộ đó không chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng mà còn đem lại những giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phần trưng bày Triển lãm tập trung giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của Việt Nam trong đó có các Di sản thiên nhiên của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Triển lãm"Di sản thiên nhiên Việt Nam" khắc họa một bức tranh tổng quát về di sản thiên nhiên của Việt Nam thông qua 120 bức ảnh của các nhiếp ảnh gia trên mọi miền Tổ quốc, tập trung giới thiệu những nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ, quảng bá tiềm năng, giá trị, sức hấp dẫn của du lịch xanh, du lịch sinh thái ở Việt Nam…

 Đại biểu tham quan các không gian trưng bày của triển lãm sau lễ khai mạc (Ảnh: Thanh Tùng)
Đại biểu tham quan các không gian trưng bày của triển lãm sau lễ khai mạc (Ảnh: Thanh Tùng)

Các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam mang đến những sắc màu văn hóa đặc trưng, giới thiệu di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của địa phương: Hải Phòng với Di sản thiên nhiên - Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà; Ninh Bình với Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… đặc biệt Khu Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; Thanh Hóa được ví như "Cái nôi di sản" của đất nước với Vườn quốc gia Bến En, Suối cá Thần Cẩm Lương, di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; Quảng Nam với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, 02 di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn… cùng các chương trình quảng bá, phát triển du lịch tại địa phương, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực và sản vật địa phương.

Khu trưng bày Di sản văn hóa làng nghề Việt Nam cũng góp phần tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề Việt Nam qua các sản phẩm tinh hoa Làng nghề của 24 làng nghề và nghệ nhân làng nghề. Triển lãm ảnh nghệ thuật "Làng nghề Việt Nam - Điểm hẹn bốn phương" giới thiệu những làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của các vùng được tạo dựng từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường...; giới thiệu 50 sản phẩm đã đạt giải của Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức và hơn 50 tác phẩm gốm phù điêu nghệ thuật của nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên.

"Không gian nghệ thuật Sen thư pháp" của Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam trưng bày 100 bức thư pháp họa hoa sen trong đời sống văn hóa Việt do các nghệ nhân viết thư pháp ở ba miền Bắc, Trung, Nam thể hiện.

 Các đại biểu tay trong tay cùng nghệ thuật "Vòng xòe di sản" tại lễ khai mạc (Ảnh: Thanh Tùng)
Các đại biểu tay trong tay cùng nghệ thuật "Vòng xòe di sản" tại lễ khai mạc (Ảnh: Thanh Tùng)

Tại Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên năm 2022; các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật chú trọng tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, giới thiệu những loại hình nghệ thuật, lễ hội đặc trưng mang đậm bản sắc vùng miền của cư dân sinh sống tại các di sản thiên nhiên, khu dữ trữ sinh quyển. Đó là: nghệ thuật Xòe Thái, múa xoang Tây Nguyên, Trò Xuân Phả (Thanh Hóa), múa Chăm (Quảng Nam), hát xẩm (Ninh Bình)…

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên năm 2022 còn diễn ra Chương trình giao lưu và thi tìm hiểu về di sản của sinh viên 6 trường Đại học trên địa bàn Hà Nội với chủ đề "Tuổi trẻ - Khát vọng xanh". Đây là hoạt động tăng cường hiểu biết cho thế hệ trẻ về di sản thiên nhiên Việt Nam, qua đó, nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.