Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khắc khoải... mùa bình thường

PV - 15:22, 30/08/2021

Khái niệm “bình thường mới” đã được đề cập từ lâu, đã dần quen thuộc trong phút nhạc chờ điện thoại, qua những cuộc trò chuyện không đầu không cuối và cả trong tính toán của cơ quan chức năng. Nhưng với đại dịch thế kỷ này, e là còn lâu lâu nữa, cái sự “bình thường mới” mới đi vào cuộc sống bình thường.

Trong thời gian giãn cách, nhiều loại hàng hóa đành phải trao đổi qua lại tại chốt kiểm dịch
Trong thời gian giãn cách, nhiều loại hàng hóa đành phải trao đổi qua lại tại chốt kiểm dịch

Chợ búa, ăn uống, lòng vòng quanh nhà rồi ngủ là thời khóa biểu quen thuộc của người dân ở nhiều vùng giãn cách xã hội . Trông thì đơn giản vậy, nhưng ai cũng nóng ruột, rối rắm trong bao nỗi lo.

Nỗi niềm ngày giãn cách

Bà Tám túc tắc bước ra từ chợ Điện Dương (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) với một mớ cá lát tươi, xởi lởi: “Giá cả cũng như ngày thường thôi. Có điều cá mắm la liệt do dân buôn không đưa hàng đi Đà Nẵng được nên tấp hết vô chợ đây, mình tha hồ lựa. Chỗ mình cách ly xã hội vậy là cũng còn may, chứ ngoài Đà Nẵng cả tuần rồi dân phải ở luôn trong nhà, đi chợ cũng không được”.

Vừa rồi, Điện Bàn có hơn chục tiểu thương từ chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) về nhiễm Covid-19, thế là tiểu thương ở các chợ trên địa bàn thị xã phải xét nghiệm đồng loạt, lên đến cả nghìn người, may là bước đầu đều có kết quả âm tính.

Mừng một chút, nhưng nghe giãn cách ai cũng ngán ngẩm. Quảng Nam với Đà Nẵng tuy đã chia tách tròn trèm 25 năm, nhưng thực ra hầu hết hoạt động giao thương vẫn gắn chặt với nhau, nhất là đối với khu vực Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc.

Hai người thợ kịp rời Đà Nẵng về quê tránh dịch trước buổi trưa ngày 22/7
Hai người thợ kịp rời Đà Nẵng về quê tránh dịch trước buổi trưa ngày 22/7

Trước hôm tiến hành giãn cách xã hội toàn TP. Hội An (31/7), ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An bộc bạch: “Đà Nẵng mà bị là cách chi Hội An cũng bị, vì mối gắn kết quá chặt chẽ ở nhiều hoạt động. Từ đầu năm ngoái đến nay đã cho thấy là khi Đà Nẵng bùng phát đợt dịch nào, thì Hội An liền sau đó cũng ảnh hưởng theo”.

Trong thời gian đợi phủ vắc xin, muốn giảm thiểu dịch, chẳng còn cách nào khác ngoài việc kiểm soát chặt, thậm chí “ai ở đâu ở yên đấy” như Đà Nẵng. Chẳng đâu trên địa bàn Quảng Nam “dính” lệnh giãn cách nhiều như khu vực phía Bắc tỉnh.

Từ đầu năm 2020, Hội An đã có 3 đợt phải tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Mới nhất, Hội An vừa chấm dứt hôm 15/8 thì đến Điện Bàn “áp lệnh” chưa biết khi nào sẽ dỡ. Phía Đại Lộc, mỗi ngày qua, lại lần lượt có thêm xã mới phải thực hiện giãn cách để phòng chống Covid-19.

Ông Võ Cho và ông Hà Hoang (quê Điện Thắng Nam, Điện Bàn) đến giờ ngẫm lại vẫn hú hồn, vì kịp đáp về quê ngay “giờ G” trưa 22/7 (thời điểm Quảng Nam tạm dừng cho người dân từ Đà Nẵng về quê tự do).

“Trước giờ ở trọ lại Đà Nẵng và đi làm thợ tự do, nhưng mà sáng hôm đó anh em tui nghe chừng đợt ni không ổn, nên bàn nhau chạy về trớt. Về nhà thất nghiệp tạm thời nhưng cũng còn vườn tược để kiếm cái ăn qua ngày, chứ ở lại dễ phải chờ cứu trợ, tiếp tế hàng ngày lắm”, bác thợ già chia sẻ.

Nhiều ông bố, bà mẹ quê chẳng ngờ được một ngày hơi thở của dịch bệnh phả sát gáy như vậy. Bởi họ cứ đinh ninh là cũng như mấy lần trước bùng một chút rồi lại thôi. Chỉ cách nhau vài chục cây số, mọi lần bất kể ngày đêm thích thì đi, ưng thì về như đi chợ, mà giờ phải chạy đôn chạy đáo tìm xe gửi hàng “tiếp tế” cho con ở Đà Nẵng cầm cự qua dịch.

Ông Lê Ngọc Dũng (xã Cẩm Hà, TP. Hội An) vừa qua đã viết thư cảm ơn Công an TP. Hội An vì linh động các biện pháp kiểm soát ở chốt ngã tư Thương Tín vừa bảo đảm nguyên tắc chống dịch vừa giúp ông kịp đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chạy thận nhân tạo.

Chuyện khác, hôm rồi, có đến hai tiểu thương ở Điện Bàn và Thăng Bình bị khởi tố vì làm lây lan dịch bệnh, do không khai báo y tế dù về từ Đà Nẵng. Họ sai là hiển nhiên, chẳng thể bao biện cho hành động đó.

Có điều qua vụ việc cũng thấy rằng, thị trường tiêu thụ phố thị chính là sinh kế tựa lưng bao năm nay của nông dân xứ Quảng. Thâm tâm họ ắt hẳn cũng nơm nớp, thấp thỏm lúc phải tìm cách đi “chui”. Dịch giã hoành hành đang tính bằng năm, bằng tháng, còn “cơm, áo, gạo, tiền” của người lao động thì đong đếm từng ngày.

Nhiều lao động phổ thông ở Quảng Nam có sinh kế gắn liền với TP. Đà Nẵng (Ảnh chụp trước ngày 27/42021)
Nhiều lao động phổ thông ở Quảng Nam có sinh kế gắn liền với TP. Đà Nẵng (Ảnh chụp trước ngày 27/42021)

Loay hoay với “bình thường mới”

Sau đợt dịch tháng 8/2020 ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã triển khai tích cực hơn việc hội chẩn từ xa với một số bệnh viện ở Quảng Nam, nhất là Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam. Đây là một trong những giải pháp thiết thực để giảm tải việc chuyển viện không cần thiết, nhất là trong thời điểm dịch bệnh.

Mặc dù vậy, rất nhiều trường hợp liên quan đến bệnh về ung bướu, chạy thận ngoại trú… ở Quảng Nam vẫn phải nương nhờ đến y tế ở Đà Nẵng. Hóa trị, xạ trị hay chạy thận nhân tạo đều đặn tuần hai lần đã khổ, chạy chữa trong “mùa Covid” ở bệnh viện khác địa phương mình sống lại càng khổ.

“Chống dịch như chống giặc”. Một cụ già nơi miệt biển ca thán: “Hồi chiến tranh, giặc quần thảo ở đâu thì dân tản cư đi chỗ khác rồi kiếm đường làm ăn, sinh sống. Còn bây giờ muốn chống “giặc - dịch” thì phải ở nhà, nghe chừng cũng gian nan quá. Mình già rồi có chi ăn nấy, mà ăn cũng không bao nhiêu, chỉ tội lớp trẻ làm việc, học hành đứt đoạn hết”.

Cả xưởng mộc lặng như tờ, chỉ còn ông Lê Nguyễn Thanh Quan (Điện Phương, Điện Bàn) lúi húi dọn dẹp đồ đạc. Giãn cách xã hội, lao động ở công ty ông đã “ai về nhà nấy” từ cả tuần nay.

“Cả năm nay, sản phẩm của chúng tôi chẳng tiêu thụ được mấy, nhưng vẫn cố gắng làm cầm chừng. Bao giờ hết giãn cách sẽ tiếp tục gọi mọi người trở lại làm việc. Nhưng mà sắp tới còn phải xem thị hiếu khách hàng ra sao đã, chắc là phải lâu lâu nữa tình hình kinh doanh mới sáng sủa trở lại như trước đây được” , ông Quan trải lòng. Nỗi niềm của ông Quan âu cũng là thực trạng chung của phần lớn cộng đồng doanh nghiệp từ lớn đến vừa và nhỏ.

Khổ nỗi, đâu phải cứ thôi đóng tiệm, hết rào đường là “mạch máu” sinh kế tìm được lối khác. Như Kiều Giang (quê Điện Bàn) mở tiệm kinh doanh ăn uống ở Đà Nẵng hôm tháng 4, lúc tình hình dịch lắng xuống. Khai trương mới đôi ba ngày, “Covid” bùng lên trở lại, tiền thuê mặt bằng thì chồng trọn gói, thêm đầu tư trang thiết bị lên đến hơn cả trăm triệu mà khách chẳng thấy đâu do ngại dịch bệnh.

Giang và chồng gói ghém đồ đạc về Điện Bàn tính bán tạm ít lâu để vớt vát vốn liếng, ngờ đâu tiếp tục phải đóng cửa do giãn cách. Thế là càng gỡ, càng lỗ. Một vòng lẩn quẩn. Mà đận này, vợ chồng Giang muốn tìm mối san mặt bằng nhằm “cắt lỗ” khó ngang… hái sao trên trời.

Phương tiện vận tải muốn lưu thông sang địa phương khác phải thay đổi tài xế ở điểm giáp ranh
Phương tiện vận tải muốn lưu thông sang địa phương khác phải thay đổi tài xế ở điểm giáp ranh

Chẳng cứ phải tới khi giãn cách, đã mấy tháng qua, hàng trăm lao động ở nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu lẫn dịch vụ khác đã hứng chịu hệ lụy của dịch với thực trạng làm việc luân phiên. Đơn hàng ít lại, khách khứa giảm đi thế là “cắc bụp” ngày nghỉ, ngày làm. Như vậy, tất nhiên lương bổng phải giảm xuống.

Một người than vãn với chúng tôi rằng, chẳng biết với đồng lương còm cõi mùa dịch sẽ “thích ứng với cuộc sống bình thường mới” ra sao, khi tối đi làm về gọi bình gas nấu nướng thì giá nhích lên thêm một chút do chi phí xét nghiệm vi rút, chi phí thay tài xế khi qua chốt; hai đứa con thì sắp sửa bắt đầu năm học mới với đủ thứ cần sắm, nghe đâu là nếu phải học trực tuyến thì cần thêm “smartphone” hoặc máy tính xách tay và kết nối internet nữa.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ bức tranh kinh tế chung, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, vẫn còn lắm nốt trầm. Trong tháng 7/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã giảm 9% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 10,8%. Trong khi đó, tổng nợ xấu thì tăng lên 663 tỷ đồng do doanh nghiệp không có khả năng trả những khoản nợ vay dù đã đến hạn.

Cứ tối đến, người người lại trầm tư khi hay tin số ca bệnh vẫn đếm hàng nghìn. Khái niệm “bình thường mới” đã được đề cập từ lâu, đã dần quen thuộc trong phút nhạc chờ điện thoại, qua những cuộc trò chuyện không đầu không cuối và cả trong tính toán của cơ quan chức năng. Nhưng với đại dịch thế kỷ này, e là còn lâu lâu nữa, cái sự “bình thường mới” mới đi vào cuộc sống bình thường./.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.