Khó khăn nhưng không đơn độc
Quê ở xã Nậm Sở, Tân Uyên (Lai Châu), Hà Thị Toan, dân tộc Thái là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Theo tiến độ, cuối tháng 7 vừa qua, Toan sẽ tốt nghiệp; nhưng vì giãn cách xã hội, đến nay em vẫn chưa hoàn thành chương trình Đại học. Khi nghe thông báo Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội, em thực sự hoang mang. Gia đình em cũng khó khăn, em không biết phải xoay xở thế nào trong nửa tháng sắp tới.
“Muốn về quê cũng không được, ở lại thì khó khăn; tiền trọ mỗi tháng cả điện nước khoảng 1,7 triệu đồng. Trong đợt dịch lần thứ 4 này, bố mẹ chưa kịp gửi tiền xuống, nguồn lương thực cạn kiệt, em đã phải ăn mì tôm nhiều bữa”, Toan bộc bạch.
Dù phải chôn chân nơi phòng trọ chật hẹp nhiều tháng, nhưng Toan nói mình còn rất may mắn. Bởi khi em ra tín hiệu cần giúp đỡ, ngay lập tức, các anh chị trong Nhóm Người Thái tại Hà Nội, đã hỗ trợ lương thực giúp em giải quyết những khó khăn trước mắt.
Em Điêu Đan Trường, sinh viên năm cuối Trường Đại học Phương Đông cũng trong tình cảnh tương tự. Vì không có máy tính nên Trường đang ở quê (Sơn La) phải xuống Hà Nội mượn máy tính bạn để thi online. Sau khi thi xong, các bạn cùng phòng đã chuyển về quê hết, Trường ở lại Hà Nội để bán hàng online kiếm thêm thu nhập.
Nhưng mọi thứ không như em mong muốn, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, không thể bán được hàng, về quê cũng không được. Tiền phòng trọ mỗi tháng hết 3,3 triệu đồng, dịch bệnh em cũng không thể chuyển đi nơi khác rẻ hơn. Gia đình em cũng rất khó khăn, loay hoay trả tiền phòng còn không đủ.
"Tuần vừa rồi, khi đã hết sạch tiền, nguồn lương thực dự trữ cũng không còn, em thực sự lo lắng. May mắn rằng, trong lúc khó khăn nhất, em được các anh chị trong Nhóm Người Thái ở Hà Nội hỗ trợ lương thực, thực phẩm", Trường tâm sự.
Trên facebook của mình, anh Sùng Mí Long, sinh viên Trường Đại học Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Câu Lạc bộ sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội, có chia sẻ về hoàn cảnh của Hoàng Mí Hồng, dân tộc Mông, quê ở Mường Lát (Thanh Hóa), sinh viên năm thứ nhất, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì không có xe khách, nên bố mẹ không thể gửi gạo xuống cho Hồng được.
Khi gạo đã hết, em cũng không thể liên lạc được với gia đình, vì ở quê không có sóng điện thoại. Sau khi câu chuyện của Hồng được chia sẻ, các thầy cô trong trường đã đến động viên cũng như tặng nhu yếu phẩm giúp Hồng vượt qua đại dịch.
Không phải ai cũng may mắn như Toan, Trường bởi các em có một cộng đồng người Thái tại Hà Nội hỗ trợ lẫn nhau; hay như Hoàng Mí Hồng vì có các anh chị, thầy cô trong trường quan tâm kịp thời. Trên thực tế, rất nhiều sinh viên DTTS đang gặp khó khăn cần giúp đỡ.
Qua ứng dụng Zalo, Facebook, nhiều người lao động tự do và sinh viên đã phát đi tín hiệu kêu cứu, chủ yếu là thiếu lương thực. Và chắc chắn rằng, sẽ có nhiều sinh viên DTTS còn e dè không dám lên tiếng; và còn rất nhiều sinh viên chưa có điện thoại thông minh nên không thể chia sẻ được cần giúp đỡ trên Zalo và Facebook được.
Một thực tế khó khăn chung của các em là, khi thực hiện giãn cách xã hội, nhiều sinh viên DTTS không nhận được lương thực, thực phẩm từ gia đình vì xe khách không chạy. Nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa, không có sóng điện thoại nên không thể gọi điện thoại cho con, hoặc không thể chuyển khoản xuống cho con được nên đành bất lực.
Thậm chí có nhiều hoàn cảnh, sinh viên phải tự bươn trải cuộc sống tại Hà Nội và gửi tiền làm thêm về giúp đỡ bố mẹ ở quê. Khi thực hiện giãn cách xã hội, các em không đi làm thêm được, nên khó khăn đủ đường.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Tính năng hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp trong ứng dụng Zalo có nêu rõ: “Mỗi chấm màu cam trên Zalo Connect là một lời kêu gọi giúp đỡ. Đó có thể là một bạn sinh viên sống xa nhà, một gia đình có người già và trẻ nhỏ, một tập thể nhiều gia đình trong một khu trọ hoặc bất kỳ người hàng xóm nào của bạn đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19. Họ không còn khả năng trang trải cho những nhu cầu thiết yếu hằng ngày”.
Khi truy cập, chúng tôi thấy còn rất nhiều những chấm màu cam, có nghĩa là các trường hợp kêu cứu chưa nhận được hỗ trợ. Trong số đó, có nhiều sinh viên là người DTTS.
Anh Sùng Mí Long cho biết, dịch bệnh khiến nhiều bạn sinh viên DTTS vốn khó khăn nay còn khó khăn hơn, bản thân anh cũng vậy. Từ đầu dịch đến nay, anh đã kết nối và giúp đỡ cho hơn 20 sinh viên nghèo tại Hà Nội. Anh cũng mong các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm quan tâm đến những sinh viên nghèo, sinh viên DTTS.
Bà Cầm Trang Thơ, đại diện Nhóm Người Thái tại Hà Nội cho biết, kể từ đợt dịch lần thứ tư, nhóm đã hỗ trợ được gần 30 sinh viên và người lao động dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn, mỗi xuất quà trị giá 500 nghìn đồng. Số tiền có được là do Nhóm đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân và bạn bè giúp đỡ.
Tuy nhiên, khi Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 6/9, thì sẽ có nhiều sinh viên người dân tộc Thái và sinh viên các DTTS khác sẽ rất khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, Nhóm sẽ mở rộng hỗ trợ sinh viên các DTTS khác và mong muốn các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện phối hợp với Nhóm để giúp đỡ sinh viên các DTTS cùng vượt qua đại dịch.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những sinh viên DTTS với ước muốn “cõng chữ về bản” đang rất cần sự hỗ trợ để vượt qua đại dịch...