Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Kết nối đưa “báu vật” của bản làng xuất ngoại

Khánh Thi - 06:39, 21/12/2022

Ở Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang,… đồng bào các dân tộc luôn tự hào bởi thiên nhiên đã ban tặng “báu vật” của các bản làng – đó chính là những cây chè Shan tuyết cổ thụ. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, cây chè Shan tuyết không chỉ giúp nhiều hộ đồng bào thoát nghèo, mà còn là cây làm giàu chủ lực của các địa phương.

Đối với đồng bào các DTTS ở vùng chè Shan tuyết, cây chè cổ thụ là “báu vật” của bản làng. (Trong ảnh: Hàng năm, vào tháng 10 âm lịch hoặc đầu xuân mới, đồng bào dân tộc Mông ở Suối Giàng, huyện văn Chấn, tỉnh Yên Bái, tổ chức lễ cúng cây Tổ Chè để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây Chè Shan).
Đối với đồng bào các DTTS ở vùng chè Shan tuyết, cây chè cổ thụ là “báu vật” của bản làng. (Trong ảnh: Hàng năm, vào tháng 10 âm lịch hoặc đầu xuân mới, đồng bào dân tộc Mông ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, tổ chức lễ cúng cây Tổ Chè để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây Chè Shan).

Chè San tuyết đến với những thị trường khó tính

Tả Thàng là một xã vùng cao của huyện Mường Khương (Lào Cai), nơi đây quanh năm được bao bọc, bằng những lớp sương mờ cùng khí hậu lạnh giá khắc nghiệt. Toàn xã có hơn 16,5ha chè Shan tuyết, phân bố tải các thôn: Bản Phố, Tả Thàng và Sú Dín Phìn. Từ nhiều năm nay, “báu vật” chè Shan tuyết cổ thụ là nguồn lực phát triển kinh tế của người dân xã Tả Thàng.

Anh Thào Vàng, người dân thôn Sú Dí Phìn cho biết, chè Shan tuyết, cho giá trị cao nhất là vụ thu hoạch đầu tiên trong năm (bắt đầu từ tháng 3). Lứa đầu tiên, búp chè to, mập hơn những lứa sau, người dân nơi đây chỉ thu hái phần búp non nhất, hay được gọi là chè “tôm”, giá bán trên 60 nghìn đồng/kg. Khi hết lứa chè “tôm”, người dân bắt đầu vụ thu hoạch chè búp (1 tôm, 2 lá), giá bán thấp hơn, chỉ khàng trên dưới 30 nghìn đồng/kg.

Trên thế giới, Việt Nam là một trong 6 quốc gia sở hữu giống chè Shan tuyết quý hiếm. Đây là những cây chè có tuổi đời hàng trăm năm, phát triển nguyên sinh, không hề có tác động hay can thiệp của con người, tạo nên những phẩm trà vô cùng quý hiếm. Chúng tôi rất vui khi trở thành nhịp cầu, đưa trà Shan tuyết cổ thụ Việt Nam tiếp cận đến thị trường chè thế giới nói chung và thị trường chè tại Mỹ và EU nói riêng.
Nguyễn Thị Ánh Hồng
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam

“Trước đây, thương lái Trung Quốc sang gom mua búp chè xuân giá rất cao, nhưng họ chỉ mua vụ đầu tiên, còn cả năm người dân bán cho các cơ sở chế biến nhỏ trong xã, giá rất bấp bênh. Năm trước, Công ty Cổ phần Trà Tiên Thiên đầu tư xưởng chế biến trên địa bàn xã, toàn bộ sản lượng được thu mua với mức giá trung bình khoảng 32.000 đồng/kg chè búp tươi, nên người dân rất phấn khởi, quan tâm chăm sóc cây chè”, anh Vàng cho hay.

Được biết, hiện chè Shan tuyết cổ thụ Tả Thàng đã được Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Trà Tiên Thiên thu mua với giá cả ổn định. Điều này đã thêm động lực để xã Tả Thàng cũng như người dân tiếp tục gắn bó và mở rộng diện tích chè cổ thụ. Theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020 – 2025 đã được thông qua tại Đại hội Đảng bộ xã, Tả Thàng phấn đấu đến năm 2025 trồng mới 200 ha chè cổ thụ.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương nhận định: Nhờ chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến sâu các loại chè cũng như sự cạnh tranh từ các cơ sở chế biến trong và ngoài huyện, tại Tả Thàng hiện có khoảng 6 doanh nghiệp, cơ sở chế biến và tư thương khai thác vùng chè cổ thụ này. Vụ chè năm 2022, thị trường tiêu thụ sôi động hơn rất nhiều dù thiếu vắng tư thương Trung Quốc .

Chè San tuyết cổ thụ ở xã Tả Thàng (Mường KHương, Lào Cai) có cơ hội xuất khẩu vào Mỹ và thị trường EU với sự bao tiêu, chế biến của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Trà Tiên Thiên.
Chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Tả Thàng (Mường KHương, Lào Cai) có cơ hội xuất khẩu vào Mỹ và thị trường EU với sự bao tiêu, chế biến của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Trà Tiên Thiên

Một tin vui đến với người dân Tả Thàng trước khi khép lại năm 2022, là ngày 17/12 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Trà Tiên Thiên đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển chè Shan Tuyết với Công ty An Shim Tea (Latvia) và Công ty Anna Yea Tea (Mỹ). Theo đó, Công ty An Shim Tea và Công ty Anna Yea Tea sẽ hỗ trợ Tiên Thiên Trà kết nối, giao thương, mở rộng thị trường, phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại, mở đường giúp chè Shan tuyết cổ thụ Việt Nam tại thị trường EU và Mỹ. Hợp tác giữa các bên được thực hiện thông qua sự kết nối của Hiệp hội Chè Việt Nam.

Phát triển sản phẩm OCOP

Phát triển sản phẩm chè Shan tuyết từ những cây chè cổ thụ, đang là hướng đi của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai; trong đó không thể không nhắc tới “thủ phủ” chè San tuyết của tỉnh là huyện Bắc Hà. Toàn huyện hiện có có 950 ha chè (chủ yếu là chè Shan tuyết hữu cơ), trong đó có 40 ha chè Shan tuyết cổ thụ do đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng ở các xã miền núi Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ, Bản Liền chăm sóc...

Chè Shan tuyết cũng là sản phẩm chủ lực của nhiều địa phương trên địa bàn các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Hà Giang,… Riêng tại xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) hiện có trên 670 ha chè, trong đó có gần 200 ha chè cổ thụ; 70% số hộ dân trong xã sinh sống bằng nghề trồng và chế biến chè. Chè Shan tuyết Suối Giàng đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao quốc gia. Còn tại xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), toàn xã có khoảng 500 hộ dân thì có tới 300 hộ dân trồng, khai thác chè, với khoảng 178ha chè Shan tuyết…

Chè Shan tuyết cổ thụ Bắc Hà vốn nổi tiếng lâu nay, nhưng nhược điểm lớn nhất là sản phẩm được chế biến, thương hiệu, tem, nhãn... chưa bài bản; thị trường tiêu thụ, giá thành thiếu ổn định, hiệu quả kinh tế còn hạn chế... Với sự hỗ trợ của huyện, Hợp tác xã (HTX) Quang Tôm, xã Tà Chải, đã chọn chè Shan tuyết cổ thụ để xây dựng sản phẩm OCOP. Mới đây, sản phẩm của HTX đã được được Chương trình “Mỗi xã, một sản phẩm” (OCOP) xếp hạng 3 sao trong đợt bình xét đợt 2 năm 2022.

Bà Sải Thị Bích Huế, Giám đốc HTX Quang Tô, chia sẻ: Bắc Hà có nguồn nguyên liệu chè Shan tuyết rất dồi dào; những cây chè ở đây rất có giá trị nhưng chưa được khai thác đúng mức. Vì vậy, HTX đã xây dựng sản phẩm OCOP để giúp bảo tồn, phát huy giá trị của sản phẩm chè Shan tuyết, giúp đời sống đồng bào được nâng cao.

Cùng với sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, huyện Bắc Hà đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ. Toàn huyện hiện có khoảng 700ha chè Shn tuyết hữu cơ, chủ yếu ở các xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ, Nam Khánh, Tả Van Chư và Hoàng Thu Phố. 

Trong năm 2022, huyện Bắc Hà đã hỗ trợ người dân 2 xã Bản Liền và Tả Củ Tỷ trồng mới 35ha chè Shan hữu cơ. Trong đó, tại xã Bản Liền hỗ trợ trồng 30ha với 85 hộ tham gia; xã Tả Củ Tỷ 5ha với 20 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện 1,38 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng từ người dân).

Chè Shan tuyết cổ thụ giúp nhiều gia đình đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững.
Chè Shan tuyết cổ thụ giúp nhiều gia đình đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững.

Theo ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, chè Shan tuyết, là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài. Sản phẩm “Chè Shan tuyết hữu cơ Bắc Hà” là sản phẩm OCOP được xếp hạng 5 sao đầu tiên và duy nhất của tỉnh Lào Cai đến thời điểm hiện nay. Vùng sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn huyện Bắc Hà đã tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho trên 300 hộ dân với hơn 1.500 người.

Chè Shan tuyết đã và đang là cây trồng chủ lực,đóng góp doanh thu lớn cho huyện Bắc Hà. Trong 9 tháng năm 2022, toàn huyện thuhoạch 2.876 tấn chè búp tươi, 553 tấn chè khô, thu về hơn 48,8 tỷ đồng (1,96triệu USD), mức doanh thu kỷ lục từ trước đến nay. Dự kiến, sản lượng búp tươi thu hái trong năm 2022 khoảng 3.700 tấn, cho thu nhập đạt trên 63,5 tỷ đồng,chiếm 5,2% tổng giá trị ngành nông nghiệp của huyện./.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.