Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tôn vinh thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng

Văn Hoa - Tuấn Ninh - 13:16, 24/09/2022

Nhằm tôn vinh chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, tối 23/9, tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã diễn ra Đêm tiệc trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng và sáng ngày 24/9 diễn ra Lễ tôn vinh cây trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn thưởng thức trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng tại Đêm tiệc trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng
Lãnh đạo huyện Văn Chấn thưởng thức trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng tại Đêm tiệc trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Chương trình nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng và nâng cao giá trị sản phẩm, tìm kiếm thị trường, liên kết với các công ty, doanh nghiệp, ký kết bao tiêu sản phẩm để người làm chè yên tâm sản xuất. Qua đó tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đẩy nhanh quá trình xây dựng khu du lịch sinh thái Suối Giàng.

Anh Lương Xuân Việt biểu diễn pha trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng cho du khách thưởng thức
Anh Lương Xuân Việt biểu diễn pha trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng cho du khách thưởng thức

Suối Giàng có tới 98% dân cư là người Mông. Họ sống với nghề hái chè và sản xuất chè từ đời này qua đời khác. Mỗi sân nhà đều có vài gốc chè, mỗi gia đình đều có người làm nghề chè. Vì vậy, chè không chỉ là niềm tự hào, mà còn là nguồn thu nhập chủ chốt của những người dân nơi đây.

Chủ tịch UBND xã Suối Giàng Lường Văn Tâm dâng hương tôn vinh cây trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng
Chủ tịch UBND xã Suối Giàng Lường Văn Tâm dâng hương tôn vinh cây trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng

Một năm, chè Shan tuyết Suối Giàng cho thu hoạch 3 vụ: Xụ xuân, vụ Hè và vụ cuối vào khoảng tháng 8 - 9 âm lịch. Chè Suối Giàng được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông. Để hái được những búp chè non, người Mông phải trèo lên cành cao của cây chè cổ thụ để lựa những búp chè tươi non đem về sao, sấy.

Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất, so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. Chè Shan tuyết có vị chan chát, đặc quánh tưởng như có thể xắt ra mà nếm trên đầu lưỡi, quyến rũ lan tỏa trong không gian, nồng nàn đến mức có cảm giác chẳng uống mà cũng thấy say say.

Trong những năm qua, để cây chè Shan tuyết được giữ vững và trở thành thương hiệu, đồng bào Mông nơi đây đã quảng bá thương hiệu chè bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè, văn hóa bản địa với phát triển du lịch. Và, xã Suối Giàng đã bước đầu áp dụng chuyển đổi số vào phát triển du lịch. Bởi vậy, thương hiệu Chè Suối Giàng ngày càng được vươn xa trong và ngoài nước, giúp đồng bào Mông làm giàu trên vùng tài nguyên vô giá này.

Lễ cúng tôn vinh cây trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng
Lễ cúng tôn vinh cây trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng

Tại Đêm tiệc trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng và Lễ tôn vinh cây trà Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng đã diễn ra nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Các đại biểu và du khách đã được thưởng thức vị trà Shan Tuyết cổ thụ, được thưởng thức những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa người Mông do chính đội văn nghệ của xã Suối Giàng đến từ các thôn bản.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.