Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Huyện Ia Grai (Gia Lai): Chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

Thùy Dung - 09:26, 15/09/2020

Trước sự bùng phát của dịch bạch hầu và những bệnh truyền nhiễm ở người như sốt xuất huyết (SXH), sốt Chikungunya (CHIKV)-bệnh do Virus Chikungunya lây truyền qua muỗi Aedes, bệnh chân - tay - miệng, đặc biệt là dịch Covid-19… huyện Ia Grai đã và đang tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.

Tiêm Vacxin phòng bệnh bạch hầu đợt 2 tại xã Ia O, huyện Ia Grai
Tiêm Vacxin phòng bệnh bạch hầu đợt 2 tại xã Ia O, huyện Ia Grai

Tập trung dập dịch 

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Ia Grai, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn huyện đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bạch hầu, 18 trường hợp mắc thủy đậu, 35 trường hợp mắc SXH. Trước diễn biến phức tạp và sự lây lan nhanh của các loại dịch bệnh, các cấp, chính quyền huyện Ia Grai đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, lực lượng vũ trang và người dân ở huyện Ia Grai triển khai kịp thời, đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Như Quyền, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện Ia Grai) cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu, chúng tôi đã tổ chức khám sàng lọc tại 5 xã, thị trấn có người mắc bệnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chúng tôi cũng huy động tối đa đội ngũ y tế ở các xã chưa có dịch, nhân viên y tế trường học để triển khai tiêm Vacxin phòng bệnh bạch hầu cho gần 32 ngàn người dân của 5 xã, thị trấn. 

Bác sĩ Rơ Châm Byih, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia O (huyện Ia Grai) cho biết: “Khi xuất hiện 1 ca bệnh bạch hầu đầu tiên ở huyện Ia Grai, Trạm đã phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Bên cạnh việc giám sát dịch tễ, tổ chức tuyên truyền, Trạm đã tiêm Vacxin bạch hầu đợt 1, hiện nay đang tổ chức tiêm đợt 2”.

Bên cạnh tập trung khống chế bệnh bạch hầu lây lan, ngành Y tế và chính quyền, đoàn thể huyện Ia Grai cũng đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm khác như SXH, thủy đậu, chân - tay - miệng. Đến nay, 13/13 xã, thị trấn đều đã tổ chức dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, ngủ màn để phòng SXH...

Chủ động phòng chống Covid-19 và sốt CHIKV

Huyện Ia Grai có 2 xã biên giới giáp ranh nước bạn Campuchia nên công tác phòng, chống Covid-19 và sốt CHIKV cũng được đẩy mạnh và quyết liệt để tránh nguy cơ dịch chồng dịch. Tại một số tỉnh biên giới của Campuchia tiếp giáp với Việt Nam, đã ghi nhận trên 1.000 lượt người nhiễm bệnh sốt CHIKV- bệnh này tương đồng với SXH, thường bùng phát thành dịch lớn, chưa có Vacxin và thuốc đặc trị. 

Để kịp thời ngăn và phòng, chống dịch sốt CHIKV, ngày 31/8, UBND huyện Ia Grai có văn bản chỉ đạo các địa phương, ngành, đoàn thể cùng phối hợp với các đơn vị quân đội khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh sốt CHIKV.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác chống dịch thông qua các hoạt động như tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường ngăn muỗi sinh sản. UBND huyện cũng chỉ đạo 2 xã biên giới là Ia O và Ia Chia phối hợp với các Đồn Biên phòng thực hiện kiểm soát chặt chẽ người dân qua lại tại các đường mòn, lối mở ở đường biên.

Đối với dịch Covid-19, từ cuối năm 2019 đến nay, huyện Ia Grai đã xây dựng các phương án và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Huyện đã tổ chức diễn tập đón tiếp công dân hoặc trường hợp nghi nhiễm Covid-19, đồng thời trích kinh phí mua nhu yếu phẩm dự trữ tại khu cách ly tập trung. Đối với người về từ vùng dịch sẽ được hướng dẫn khai báo y tế và đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly của tỉnh. UBND huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương theo dõi sát sao tình hình và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.