Đăk Lăk là tỉnh thứ 4 của khu vực Tây Nguyên ghi nhận có ca nhiễm bệnh bạch hầu. Chiều ngày 7/7/2020, đã phát hiện một phụ nữ dân tộc M’nông ở buôn Diêo, xã Bông Krang (huyện Lăk) bị nhiễm bệnh. Lực lượng y tế tỉnh và chính quyền địa phương đã gấp rút tiến hành các bước tiêu độc, khử trùng, khoanh vùng, dập dịch, lấy mẫu máu xét nghiệm đối với những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, cấp phát thuốc kháng sinh dự phòng cho toàn bộ người dân trong buôn.
Được biết, Buôn Diêo có 169 hộ với 708 hộ, chủ yếu là đồng bào DTTS. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, 200 trẻ em trong buôn Diêo được tiêm văc xin phòng bệnh bạch hầu. Chính quyền địa phương đã đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh bạch hầu; xã lập 3 chốt chặn tại các nơi ra vào buôn để hạn chế sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Theo ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk, trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngành Y tế tăng cường giám sát không chỉ ở những xã có ca bệnh, mà đặc biệt chú ý những vùng có nguy cơ cao. Đó là những “vùng lõm” trong tiêm chủng, những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Tại Gia Lai, tính đến ngày 8/7, toàn tỉnh đã có 16 ca dương tính bạch hầu. Trong đó có 10 người dân ở làng Bông Hiot, xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa), có 1 bé trai 4 tuổi đã tử vong. Ngay sau khi phát hiện, tỉnh Gia Lai đã cho toàn bộ học sinh xã Hải Yang nghỉ học, cách ly, điều trị, tiêm văc xin đối với người tiếp xúc gần bệnh nhân.
Còn tại Kon Tum, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 23 trường hợp dương tính bạch hầu. Riêng từ ngày 27/6 đến ngày 2/7, ngành Y tế ghi nhận 14 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Diên Bình (Đăk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy).
Tại tỉnh Đăk Nông, hiện toàn tỉnh ghi nhận 28 trường hợp dương tính bệnh bạch hầu ở 8 ổ dịch. Ngành Y tế Đăk Nông đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống bệnh bạch hầu.
Ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đăk Nông cho biết: Trước mắt, đơn vị đã được Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ 10 ngàn liều văc xin TD để triển khai tiêm mũi 1 cho các đối tượng ở 8 ổ dịch trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Thời gian tới, CDC Đăk Nông tiếp tục đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và Cục Y tế dự phòng hỗ trợ để có thêm văc xin TD, nhằm thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng ở trong vùng đồng bào DTTS và các vùng giáp ranh ổ dịch.
Ông Thành nhận định, các ổ dịch, ca bệnh xuất hiện ở vùng đồng bào DTTS, tỷ lệ tiêm chủng thấp. Các ca bệnh dương tính với bạch hầu thường có tiếp xúc rộng trong cộng đồng như trường học, khu dân cư… khiến việc điều tra, xác minh gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Trước tình hình dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp, ngày 8/7, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng, điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất người tử vong; tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp chống dịch…