Cách trung tâm huyện Hải Hà gần 20km, Quảng Sơn được “liệt” vào danh sách xã miền núi khó khăn. Trước đây, do đường sá xa xôi và trắc trở, lại thêm nhiều hộ dân vẫn phải chạy ăn từng bữa; điều kiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở trạm y tế xã hạn chế, nên chẳng mấy khi bà con tìm đến trạm y tế xã hoặc Bệnh viện đa khoa huyện để thăm khám, kiểm tra sức khoẻ.
Bác sĩ Sằn Sủi Sáng, Trạm trưởng Trạm Y tế Quảng Sơn cho biết, để chăm sóc tốt cho người dân, Trạm đã tăng cường bố trí thêm một bác sĩ nữa. Các trang thiết bị phục vụ việc khám, chữa bệnh của Trạm cũng được đầu tư, nâng cấp thêm như: máy siêu âm xách tay, máy xét nghiệm nước tiểu… Vì vậy, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho bà con ở đây đã vượt trội hẳn so với trước.
Chị Đặng Thị Vương, thôn 4, xã Quảng Sơn, cho biết: “Trước đây, mang thai con đầu lòng, tôi ít đi kiểm tra sức khoẻ vì đến Trạm Y tế xã cũng chỉ kiểm tra huyết áp... Nếu xuống tận Bệnh viện huyện thì xa quá. Nhưng giờ Trạm có bác sĩ giỏi, tận tình, lại có siêu âm, xét nghiệm nước tiểu nên mang thai lần này, tôi đi khám đều đặn theo lời dặn của bác sĩ”.
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, ngành Y tế Quảng Ninh đã thực hiện điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã thành 3 mô hình.
Theo đó, mô hình 1 có 77/186 trạm y tế xã (xa các cơ sở y tế tuyến huyện/tỉnh, có địa bàn và giao thông khó khăn; nhu cầu khám chữa bệnh (KCB), khám quản lý thai nghén, sinh đẻ… của người dân còn cao) áp dụng đầy đủ 11 chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Đồng thời được tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để người dân có nhiều điều kiện tiếp cận với dịch vụ KCB chất lượng ngay tại cơ sở và đảm bảo đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định của Bộ Y tế.
Mô hình 2 gồm 57 trạm y tế xã (gần các cơ sở y tế tuyến huyện/tỉnh, địa bàn và giao thông tương đối thuận lợi; người dân trong xã không có nhu cầu sinh đẻ tại trạm y tế) không thực hiện chức năng đỡ đẻ thường và duy trì thực hiện các chức năng, nhiệm vụ còn lại theo quy định. Mô hình 3 gồm 52 trạm y tế xã (gần các cơ sở y tế tuyến huyện/tỉnh đóng trên địa bàn, giao thông thuận lợi; người dân không có nhu cầu sinh đẻ, KCB tại trạm y tế), không thực hiện đỡ đẻ thường và KCB thông thường; duy trì thực hiện các chức năng, nhiệm vụ còn lại.
Như tại Trung tâm Y tế xã Quảng Sơn, nằm trong 77 trạm y tế xã thuộc mô hình 1. Cách trung tâm huyện Hải Hà gần 20km, nơi người dân vẫn phải “chạy ăn từng bữa” thì người dân cũng không mặn mà đến trạm y tế thăm khám, kiểm tra sức khỏe.
Để công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo, ngành Y tế đã đầu tư thêm trang thiết bị và nhân lực cho trạm. Được biết, dù đã có bác sĩ, nhưng trạm vẫn được bố trí thêm 1 bác sĩ nữa. Bên cạnh đó, các trang thiết bị như máy siêu âm xách tay, máy xét nghiệm nước tiểu được chuyển từ những trạm y tế nằm gần Bệnh viện huyện về nên chất lượng KCB, chăm sóc sức khoẻ cho bà con ở đây ngày càng thuận lợi.
Theo như ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, việc chia nhỏ mô hình tại các trạm y tế tuyến xã để phát huy hiệu quả hoạt động. Với những trạm tuyến xã thực hiện theo 2 mô hình đầu được đầu tư thêm các nguồn lực nên triển khai thực hiện đồng bộ tất cả các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, do được đầu tư thêm về nguồn nhân lực và trang thiết bị nên đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật theo phân tuyến, thậm chí một số trạm còn thực hiện được nhiều kỹ thuật của tuyến huyện. Tại các trạm này, cán bộ, nhân viên thường xuyên cập nhật kiến thức y khoa, các kỹ thuật trong KCB và chăm sóc người bệnh nên chất lượng chuyên môn được đảm bảo và không ngừng được nâng lên.
HOÀNG QUÝ