"Sống lại" những làn điệu dân ca
Những năm qua, thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn liền với phát triển du lịch, thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện Chi Lăng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp truyền dạy hát sli, lượn, hát then, đàn tính và thành lập các câu lạc bộ sinh (CLB) hoạt văn hóa dân gian.
Từ năm 2021-2023, huyện Chi Lăng đã tổ chức truyền dạy 1 lớp hát lượn tại xã Bằng Mạc (gồm 25 học viên tham gia); 01 lớp hát sli tại xã Chiến Thắng (có 30 học viên tham gia); tổ chức thành công 2 lớp truyền dạy dân ca xã Vân Thủy và xã Chiến Thắng (hát sli), với tổng số học viên là 105 người (chủ yếu là các em học sinh độ tuổi từ 10-15 tuổi); tổ chức thành công 1 lớp truyền dậy dân ca, dân vũ cho CLB sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian các thôn xã Bằng Hữu, với tổng số học viên tham gia là 50 người, trong đó học viên là các em học sinh cấp THCS là 20 em…
Năm 2024, huyện Chi Lăng đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, các nghệ nhân, nghệ sĩ tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng tại các thôn xã Nhân Lý. Một số làn điệu dân ca được truyền dạy như: hát sli, hát phong slư, hát lượn, hát then… và hướng dẫn kỹ năng dàn dựng chương trình, duy trì tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ cho 40 học viên.
Sau gần 1 tháng truyền dạy, các học viên đã nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản và thực hành trình diễn tốt các loại hình dân gian đã được học. Lãnh đạo UBND huyện Chi Lăng đã trao quyết định thành lập CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn xã Nhân Lý cho Ban Chủ nhiệm CLB. Theo quyết định, CLB có tổng số 40 thành viên. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng trao tặng CLB một số vật tư, trang phục, đạo cụ phục vụ duy trì hoạt động, sinh hoạt với kinh phí 70 triệu đồng.
Ông Chu Vũ Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Lý bày tỏ, xã Nhân Lý chủ yếu là người Tày và người Nùng. Những năm trước đây, trên địa bàn xã chỉ còn rất ít các cụ biết hát sli, do không có ai truyền dạy nên không còn ai biết hát then, hát lượn, đánh đàn tính nữa. Có thể nói, các làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng đã mai một và có nguy cơ thất truyền.
May thay, từ khi huyện triển khai truyền dạy các làn điệu dân ca, được các nghệ nhân nhiệt tình hướng dẫn, bà con Nhân dân địa phương rất phấn khởi và tích cực học tập. Từ khi được truyền dạy và thành lập CLB, các thành viên CLB đã thường xuyên truyền dạy lại cho các cháu học sinh, truyền dạy lại cho con cháu của mình.
Đặc biệt, CLB đã tham gia giao lưu, biểu diễn hát sli, hát phong slư, hát lượn, hát then tại một số ngày lễ lớn của địa phương như: dịp khai giảng năm học mới; dịp Trường mầm non và Tiểu học của xã đón nhận đạt chuẩn quốc gia; mới đây là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Chi Lăng; biểu diễn tại điểm dừng nghỉ Hoa Hồi Chi Lăng… Các buổi biểu diễn được Nhân dân địa phương đón nhận rất nồng nhiệt và đã tạo dấu ấn đối với khách du lịch.
“Có thể nói, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo UBND huyện, của ngành văn hóa trong triển khai thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 đã làm " sống lại" các làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng có nguy cơ thất truyền trên địa bàn xã”, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Lý Chu Vũ Linh nhấn mạnh.
Nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân
Ông Hoàng Đức Bình, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Chi Lăng cho biết, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là các làn điệu dân ca, huyện Chi Lăng đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, trong đó chú trọng việc tập huấn, khôi phục các làn điệu dân ca truyền thống và thành lập các CLB dân ca truyền thống.
Tại các lớp tập huấn, truyền dạy, Phòng Văn hóa và Thông tin mời các báo cáo viên và nghệ nhân có bề dày kinh nghiệm, có tâm huyết tham gia đào tạo. Họ đã phát huy hết khả năng và vốn kiến thức về làn điệu dân ca của mình để truyền đạt, đào tạo, bồi dưỡng và nhân rộng các nhân tố để bảo tồn, duy trì, phát huy giá trị của làn điệu dân ca đặc sắc trong cộng đồng. Nội dung chương trình giảng dạy thật sự thiết thực, phong phú, hiệu quả.
Đối với các học viên tham gia các lớp truyền dạy đã nghiêm túc, đầy đủ, đúng thành phần, đối tượng, đảm bảo thời gian và quân số lớp học với tâm thế mong muốn được lĩnh hội để bảo tồn với một trách nhiệm cao nhất. Sau khi kết thúc, các học viên đều nắm bắt được những kiến thức cơ bản và có khả năng thực hành những làn điệu dân ca truyền thống đã được truyền dạy; đồng thời thường xuyên duy trì sinh hoạt, giao lưu nhằm từng bước phát triển nhân rộng mô hình các CLB, đội văn nghệ quần chúng và góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương ngày càng phát triển.
Tính đến nay, toàn huyện Chi Lăng đã có 63 đội văn hoá, văn nghệ, CLB truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Nhờ đó đã nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt, các làn điệu dân ca truyền thống chính là những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch đến với huyện Chi Lăng.
Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Chi Lăng Hoàng Đức Bình cũng cho biết thêm, để nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, bên cạnh việc làm sống lại các làn điệu dân ca, từ Dự án 6, huyện Chi Lăng còn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn; hỗ trợ trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn, hỗ trợ cho đội văn nghệ truyền thống các thôn; tổ chức Hội thi thể thao các DTTS huyện…
Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp giúp đồng bào bảo tồn các di sản văn hóa, bảo tồn phát huy nghề và làng nghề truyền thống, các loại hình ngữ văn dân gian và văn học nghệ thuật truyền thống, giữ gìn sắc phục của dân tộc…