Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Phúc Lộc, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Đức cho biết, thực hiện công tác dân tộc, chính quyền huyện rất nỗ lực triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và địa phương. Cụ thể, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 98% hộ đồng bào DTTS nghèo đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn xây dựng nhà ở kiên cố; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH); đào tạo nghề; hỗ trợ cây, con giống, máy móc, vật tư nông nghiệp từ nguồn vốn hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135… Từ đó, tạo động lực giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục và đào tạo cũng được quan tâm triển khai với 100% hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ đồng bào DTTS sinh sống tại địa bàn xã khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trong lĩnh vực giáo dục, để các em sinh viên DTTS có thêm động lực trong học tập, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chính sách hỗ trợ học phí hằng năm cho sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề giúp gia đình các em giảm được phần nào gánh nặng về học phí.
Để cảm nhận rõ hơn, sự đổi thay trong đời sống của đồng bào, chúng tôi tìm đến ấp Vinh Thanh (thị trấn Ngãi Giao), nơi có đông người Châu Ro sinh sống. Giữa bạt ngàn vườn cây trái xanh mát là các căn nhà của bà con được xây cất khang trang. Toàn bộ các trục đường trong xã, trong ấp đều được trải nhựa hoặc bê tông hóa, đi lại thuận tiện, an toàn.
Với nụ cười thân thiện, ông Đào Văn Giả, người Châu Ro, là Người có uy tín đồng thời cũng là Bí thư Chi bộ ấp Vinh Thanh chia sẻ: Tại địa phương, chế độ chính sách hỗ trợ dành cho đồng bào Châu Ro nói riêng và đồng bào DTTS nói chung rất tốt. Ai có đất thì được hỗ trợ cây trồng, con giống phát triển sản xuất, ai không có đất thì được hỗ trợ dạy nghề. Nhiều thanh niên người DTTS bây giờ không làm nông nghiệp thì đi làm công nhân hoặc các ngành nghề khác thu nhập cũng khá ổn định. Đáng mừng nhất là thế hệ trẻ giờ đã có trình độ học vấn cao, chỉ riêng ấp Vinh Thanh có 25 em đang theo học đại học, 21 em học cao đẳng, hơn 10 em học trung cấp, đặc biệt có 2 em đang học cao học.
Đời sống vật chất được nâng lên, đời sống văn hóa, tinh thần của bà con cũng được quan tâm. Ông Đinh Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Châu Đức cho biết, thời gian qua, huyện đã nâng cấp, sửa chữa và đầu tư mới 3 Nhà văn hóa dân tộc bảo đảm nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa vui chơi thể thao, giải trí… góp phần làm tăng tỷ lệ, mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
Thăm quan Nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Châu Ro tại xã Bàu Chinh, chúng tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn về các đặc trưng văn hóa của người Châu Ro qua các hình ảnh, các vật dụng truyền thống như chiêng, gùi, cối, nỏ… được trưng bày. Qua đó, bảo tồn hiệu quả văn hóa truyền thống của đồng bào.
Có thể thấy, với nỗ lực của chính quyền các cấp, huyện Châu Đức đã triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, từng bước đem lại cuộc sống tốt hơn cho đồng bào các dân tộc nơi đây.