Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Huyện Bát Xát (Lào Cai): Cần sớm có quy hoạch vùng nuôi cá nước lạnh

PV - 08:55, 17/12/2017

Không chỉ ở Sa Pa mà tại huyện Bát Xát (Lào Cai), thời gian gần đây, người dân đã nuôi được cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao như cá hồi, cá tầm. Tuy nhiên, người dân vẫn nuôi một cách tự phát, thiếu quy hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sản xuất.

Hộ ông Lưu Văn Quang, ở thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng bắt đầu triển khai nuôi 2 loài cá tầm, cá hồi từ năm 2008. Đây cũng là cơ sở nuôi cá nước lạnh đầu tiên và quy mô lớn nhất tại Bát Xát.

nuoi_ca_nuoc_lanh_1 Cơ sở nuôi cá nước lạnh đầu tiên và quy mô lớn nhất tại Bát Xát của gia đình ông Quang

 

Hiện nay gia đình ông Quang đã phát triển được 10 bể nuôi cá lớn nhỏ. “Mỗi lứa, tôi xuống gần 2 vạn con giống. Bình quân mỗi năm, cơ sở xuất bán ra thị trường khoảng 15 tấn cá thương phẩm, thu về gần 3 tỷ đồng. Điều kiện thuận lợi để nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm ở đây là nguồn nước tự nhiên, dồi dào và đảm bảo chất lượng. Đến nay có thể khẳng định vùng đất này nuôi giống cá tầm có thể đạt tỷ lệ sống trên 90%, trong đó cá hồi đạt 70%”, ông Quang cho biết.

Tuy nhiên, để có được kết quả đó, bản thân ông cũng phải trả một cái giá không hề nhỏ. Khi mới bắt đầu nuôi, ông đầu tư thả 1 vạn con giống. Tuy nhiên, vụ đầu tiên cá giống đồng loạt chết trắng bể, thiệt hại hơn nửa tỷ đồng. Về sau, ông mới biết là do cá bị bệnh, nhưng thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên chưa xử lý kịp.

Tại xã Dền Sáng, đến nay, mô hình nuôi cá nước lạnh đang tiếp tục nhân rộng. Năm 2009, Hợp tác xã (HTX) cá nước lạnh Thủy Lâm được xây dựng khá quy mô với 5 bể cá thiết kế theo hình tròn, mỗi bể rộng từ 30-50m2.

nuoi_ca_nuoc_lanh_2 Hiện nay gia đình ông Quang đã phát triển được 10 bể nuôi cá lớn nhỏ

 

Tới nay, mỗi năm HTX này xuất bán ra thị trường khoảng 7 tấn cá thương phẩm, thu về gần 2 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Đàm, Chủ nhiệm HTX chia sẻ, hiện HTX đã mở rộng thêm một cơ sở nuôi cá nước lạnh tại thôn Mò Phù Chải, xã Y Tý (cùng huyện Bát Xát). Đồng thời, nghiên cứu thành công việc ấp nở trứng, sản xuất thành công và bước đầu cung ứng cá giống ra thị trường.

Bên cạnh một số cơ sở quy mô, nhiều hộ dân tự học kỹ thuật, vay vốn xây dựng bể nuôi cá nước lạnh với kỳ vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Ông Hoàng Thông Liềm, Chủ tịch UBND xã Dền Sáng cho biết, hiện có 6 cơ sở quy mô lớn được đầu tư từ 2-15 bể, còn lại 5 hộ gia đình đầu tư 1 bể.

Ông Liềm cho rằng, hướng đi này đang tạo ra sản phẩm hàng hóa giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Một số hộ là đồng bào DTTS đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, do chủ yếu là tự phát, đầu tư hạ tầng, kỹ thuật chưa bài bản nên tiềm ẩn nguy cơ rủi ro là rất cao. “Người dân thấy chỗ nào có nguồn nước tốt là san gạt, làm bể.

Sản phẩm cá tầm thương phẩm được nuôi tại Bát Xát (Lào Cai Bình quân mỗi năm, cơ sở xuất bán ra thị trường khoảng 15 tấn cá thương phẩm, thu về gần 3 tỷ đồng

 

Việc phát triển kinh tế làm giàu phải khuyến khích, nhưng huyện phải quy hoạch lại, xem xét từng khu vực nuôi vì còn yếu tố môi trường chung của thôn bản”, ông Liềm kiến nghị.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Bát Xát, đến thời điểm này toàn huyện có 19 cơ sở nuôi cá nước lạnh. Trong đó, có 8 cơ sở đang nuôi theo mô hình hàng hóa, 11 cơ sở nuôi thử nghiệm tập trung tại 4 xã vùng cao như Y Tý, Dền Sáng, Nậm Pung và Sàng Ma Sáo.

Cũng vì bà con phát triển mang tính tự phát nên gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh và chất lượng sản phẩm cuối cùng. Cùng chi phí đầu vào cao, khó cạnh tranh với cá nuôi nhập lậu từ Trung Quốc.

Các chủ nuôi cho rằng, việc cần nhất hiện nay là ngành chức năng có quy hoạch rõ ràng. Đồng thời, có chính sách bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi cá nước lạnh thông qua thẩm định nguồn gốc và ngăn chặn cá nhập lậu để người dân yên tâm sản xuất.

Trọng Bảo