Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Huy động mọi nguồn lực chăm lo trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Khánh Thư - 11:19, 21/12/2023

Những năm qua, một hệ thống chính sách hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em DTTS ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được triển khai; giai đoạn 2021 – 2025, nhiều chính sách được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).

Bên cạnh nguồn lực Nhà nước, thì việc kêu gọi toàn xã hội dành sự quan tâm nhiều hơn cho trẻ em ở địa bàn đặc biệt khó khăn, là một trong những ưu tiên của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn hiện nay.

Rất nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em DTTS đã được ban hành, triển khai và đem lại hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Rất nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em DTTS đã được ban hành, triển khai và đem lại hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Tích cực xã hội hóa nguồn lực

Ngày 17/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2020 – 2025” (QĐ 588). Với nhiều cách làm sáng tạo, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả khả quan trong xã hội hóa nguồn lực chăm lo cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), trẻ em người DTTS ở những địa bàn đặc biệt khó khăn.

Đơn cử tại Bắc Giang, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 481 nghìn trẻ em, chiếm khoảng 28% dân số. Trong đó có khoàng 137 nghìn trẻ em có HCĐB, trẻ em thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, chiếm 28,9% tổng số trẻ em của toàn tỉnh. Ngoài ra, gần toàn tỉnh còn có khoảng 42 nghìn trẻ thuộc hộ nghèo và cận nghèo có nguy cơ rơi vào HCĐB.

Triển khai QĐ 588, trong hơn 3 năm qua, bên cạnh ngân sách nhà nước, tỉnh Bắc Giang đã huy động được nguồn lực đáng kể từ xã hội để chăm lo cho trẻ em. Trong đó, Ban quản lý Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động các tổ chức, mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ hơn 11 tỷ đồng; Ban Dân tộc tỉnh vận động được hơn 3 tỷ đồng...

Công tác chăm lo trẻ em người DTTS đã huy động được nguồn lực từ xã hội. (Trong ảnh: Đoàn Thanh niên Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh khám, chữa bệnh cho trẻ em thôn Ngàn Vàng, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu - Ảnh: N.H)
Công tác chăm lo trẻ em người DTTS đã huy động được nguồn lực từ xã hội. (Trong ảnh: Đoàn Thanh niên Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh khám, chữa bệnh cho trẻ em thôn Ngàn Vàng, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu - Ảnh: N.H)

Nguồn lực huy động được đã góp phần quan trọng bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em thuộc diện trợ giúp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, hiện tỷ lệ trẻ em có HCĐB được chăm sóc đạt trên 96%; tỷ lệ trẻ em có HCĐB trên địa bàn tỉnh đã giảm xuống dưới 2%; 99,9% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) còn 10,8%...

Tương tự Bắc Giang, tỉnh lào Cai cũng tích cực huy động nguồn lực từ xã hội để chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh cần được trợ giúp. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, triển khai QĐ 588, với sự chung tay của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và người dân trong tỉnh, giai đoạn 2019 - 2022, Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh đã huy động được hơn 7,5 tỷ đồng; trong đó, ủng hộ bằng hiện vật quy đổi đạt trên 6,03 tỷ đồng, ủng hộ bằng tiền đạt trên 1,48 tỷ đồng.

Cùng với ngân sách nhà nước trong các chương trình, dự án, nguồn lực xã hội hóa đã được tỉnh Lào Cai sử dụng để tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

 Đặc biệt, hơn, giai đoạn 2019-2022, tỉnh Lào Cai đã xây dựng, biên soạn, phát hành trên 13 nghìn ấn phẩm truyền thông về bảo vệ chăm sóc trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng ngừa lao động trẻ em trái quy định của pháp luật và phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp Nhân dân đóng góp nguồn lực chăm lo cho trẻ em vùng khó khăn.

Công tác chăm sóc trẻ em DTTS được triển khai từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục. (Trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An)
Công tác chăm sóc trẻ em DTTS được triển khai từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục. (Trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An)

Phát huy hiệu quả nguồn lực chính

Công tác huy động đóng góp của xã hội để chăm lo cho trẻ em DTTS cần được trợ giúp đã đạt được những kết quả tích cực; tuy nhiên, nguồn lực chính hiện vẫn đến từ các chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh những chính sách gián tiếp, thì nhiều chính sách trực tiếp chăm lo cho trẻ em DTTS đã được ban hành, triển khai và đem lại hiệu quả rõ rệt.

Trong Báo cáo số 855/BC-UBDT tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc cho biết, giai đoạn 2011 – 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ bà mẹ - trẻ em người DTTS như: Chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số tại Nghị định số 39/2015.NĐ-CP; chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg;...

Công tác chăm sóc trẻ em người DTTS còn được triển khai trong các chương trình, chiến lược, đề án dài hơi của ngành Y tế. Đó là Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/2/2012; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 – 2025”, theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015;...

Từ nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đến nay tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và đại đa số bệnh viện tuyến huyện ở khu vực miền núi đều triển khai được mổ đẻ, truyền máu, góp phần quan trọng trong việc cứu sống bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, quy trình chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu (EENC) đã được triển khai ở hầu hết các cơ sở y tế trên toàn quốc. Bộ Y tế đang tiếp tục đào tạo EENC cho 2.632 cô đỡ thôn bản người DTTS trên phạm vi cả nước.

Phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản là chính sách quan trọng nhằm chăm lo sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em người DTTS. (Ảnh minh họa)
Phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản là chính sách quan trọng nhằm chăm lo sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em người DTTS. (Ảnh minh họa)

Nhằm tiếp tục chăm sóc tốt hơn nữa cho trẻ em DTTS, trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg thiết kế nhiều hoạt động chính sách liên quan. Theo đó, trong Dự án 7, có chính sách chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ nhỏ lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS; chăm sóc sức khoẻ, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em; tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; Hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản…

Dự án 8 của Chương trình MTQG cũng có nội dung triển khai 04 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em, trong đó có chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trẻ em. Dự án 9 về “Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” cũng có nội dung chăm lo cho trẻ ẻm DTTS.

 Trong đó, đối với trẻ em dưới 05 tuổi, Chương trình MTQG hỗ trợ trẻ sơ sinh được tầm soát các loại bệnh bẩm sinh phổ biến; điều trị, cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi; hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng công thức (cơm/cháo dinh dưỡng công thức ăn liền) cân đối hợp lý và sữa học đường cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Những giải pháp được thực hiện thường xuyên, liên tục để chăm lo cho trẻ em DTTS cho thấy, quan điểm và chính sách nhất quán về quyền trẻ em của Đảng, Nhà nước. Những kết quả về chăm sóc, bảo vệ trẻ em người DTTS, nhất là những trẻ em cần trợ giúp một lần nữa khẳng định chính sách bình đẳng dân tộc và đại đoàn kết dân tộc tạo cho mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng về cơ hội trong việc tiếp cận chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và phát triển.

Một trong những địa chỉ được toàn xã hội chung tay chăm lo trẻ em DTTS hiện nay là Quỹ học bổng Vừ A Dính. Sau gần 24 năm hoạt động, Quỹ Học bổng Vừ A Dính đã trao trên 125.000 suất học bổng cho học sinh DTTS, trong đó, hơn 98.000 suất được trao cho học sinh, sinh viên DTTS vượt khó, học giỏi trên cả nước. Ngoài cấp phát học bổng thường niên, Quỹ còn đầu tư phát triển nhiều dự án theo chiều sâu như “Chắp cánh ước mơ,” “Ươm mầm tương lai,” “Mở đường đến tương lai,” “Thắp sáng tương lai”...

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.