Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hương Khê (Hà Tĩnh): Tích cực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất

Khánh Sơn - 07:53, 24/11/2023

Song song với việc chủ động tuyên truyền thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 (Chương trình MTQG 1719), những năm qua huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) luôn tích cực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất để từng bước thoát nghèo bền vững. Đến nay, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 32,2 triệu đồng/người/năm; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…

Tăng cường liên kết sản xuất

Hương Khê là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Hà Tĩnh, có 22 đơn vị hành chính (21 xã, 01 thị trấn) và 04 dân tộc: Thổ, Thái, Kinh, Chứt với 293 hộ, 1.061 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Kinh tế của Hương Khê chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, kết hợp với trồng cây ăn quả, cây cao su, chăn nuôi….

Nhiều xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Riêng bản Rào Tre, xã Hương Liên có 44 hộ/153 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo 90,3%, cận nghèo 9,7%; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em 26%. Bản Giàng II thuộc địa bàn xã Hương Vĩnh có 15 hộ/56 nhân khẩu thì tỷ lệ hộ nghèo cũng chiếm tới 86%, suy dinh dưỡng ở trẻ em 20%...

Trước những khó khăn trên, để thực hiện thành công Chương trình MTQG 1719 ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện Hương Khê không chỉ thực hiện công tác cấp gạo cứu đói, mà còn hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đồng bào tập trung sản xuất. Các cấp ngành cũng nỗ lực triển khai nhiều dự án tích cực như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng các công trình điểm trường mầm non với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng, đường giao thông nông thôn 1,75 tỷ đồng… 

Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ vay vốn, tiếp cận chính sách, tập huấn, giúp đỡ ngày công, con giống, cây giống, kết nối tiêu thụ nông sản... Những năm qua, các cấp hội trên địa bàn đã giúp đỡ, hỗ trợ 1.468 hộ nghèo, trong đó có 543 hộ vươn lên thoát nghèo, 124 hộ trở thành hộ khá, tiêu biểu như các hộ Nguyễn Viết Tuấn (Hương Thủy), Nguyễn Trí Dần (Phúc Đồng), Hoàng Trung Thành (Hương Trạch), Nguyễn Thị Hồng Lan (Hương Trà)... Tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn Vietgap, Ocop.

Từ nguồn chính sách hỗ trợ, địa phương đã tập trung hướng dẫn cho đồng bào thực hiện sản xuất theo tinh thần ổn định phát triển lâu dài, từng bước xóa đói giảm nghèo, đạt nhiều kết quả nổi bật. Mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số hiện nay đạt 32,2 triệu đồng/người/năm; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…

Thực hiện Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt, bản Rào Tre, xã Hương Liên, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bào dân tộc Chứt đã được triển khai... Đến nay, đồng bào khai hoang, cải tạo mở rộng được 80 ha (gồm đất ở và đất sản xuất, tăng 77,5 ha so với năm 2014); cơ bản xóa nhà tranh tre tạm bợ; hỗ trợ làm mới 15 nhà, sửa chữa 20 nhà; đầu tư nâng cấp bê tông hóa 2,7km đường giao thông; xây dựng trạm biến áp và đường điện hạ thế cung cấp điện thắp sáng; cung cấp nước sinh hoạt, kiên cố hóa kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất,... với tổng nguồn đầu tư từ ngân sách và nguồn xã hội hóa trên 46 tỷ đồng.

Cán bộ hướng dẫn hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con chăn nuôi bò phát triển kinh tế.
Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con chăn nuôi bò phát triển kinh tế.

Hướng đi mới từ kinh tế vườn đồi

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế vườn đồi, tại huyện Hương Khê nhiều hộ đã triển khai trồng giống bưởi Phúc Trạch, cho sản lượng cao, góp phần nâng cao đời sống. Điển hình xã Hương Giang, phong trào trồng bưởi Phúc Trạch những năm gần đây phát triển mạnh. Toàn xã có 1.100 mô hình với diện tích gần 160 ha, trong đó 133 ha bưởi đã cho thu hoạch trên 10,5 tỷ đồng/năm, đạt khoảng gần 80 triệu đồng/ha.

Gia đình chị Trương Thị Hiền, thôn 4, xã Hương Giang, huyện Hương Khê sản xuất bưởi Phúc Trạch theo mô hình đạt tiêu chuẩn VIETGAP với diện tích 5.000m2. Vườn bưởi với 120 góc của gia đình năm nào cây cũng trĩu quả. Chị Hiền cho biết, mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, nhờ trồng bưởi, gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ông Trần Văn Đại, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Giang, cho rằng: “Để đạt được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự hỗ trợ của các đoàn thể, hội nông dân trong tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện các khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và cả trong tiêu thụ sản phẩm để động viên, hỗ trợ người dân trong phát triển cây chủ lực của địa phương”.

Cũng áp dụng mô hình phát triển kinh tế vườn đồi tương tự với xã Hương Giang, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, ông Cao Quốc Hội cho biết: "Hương Trạch là một trong những xã có diện tích trồng bưởi nhiều nhất huyện Hương Khê với tổng diện tích trên 450 ha, trong đó 350 ha đã cho thu hoạch. Năm 2021, cây bưởi cho người dân địa bàn thu nhập trên 50 tỷ đồng. Nguồn thu từ bưởi đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương''.

Được biết, trên địa bàn huyện Hương Khê hiện nay có tổng diện tích gần 2.700 ha trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó có hơn 1.800 ha đã cho quả, ước tính năng suất đạt khoảng 21.000 tấn/năm. Bưởi Phúc Trạch đã có thương hiệu, nhiều hộ dân nhờ trồng bưởi có thu nhập cao, đời sống khá giả.

Để hỗ trợ huyện Hương Khê ngày một phát triển, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng huyện nông thôn mới (theo Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND tỉnh Hà Tĩnh ngày 16/12/2021). Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí làm mới đường giao thông, rãnh thoát nước và kênh mương nội đồng: mức hỗ trợ 220 triệu đồng/km đối với đường trục xã, liên xã; 140 triệu đồng/km đối với đường trục thôn, liên thôn; 105 triệu đồng/km đối với đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; 110 triệu đồng/km đối với rãnh thoát nước hai bên đường giao thông, kênh mương nội đồng...


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.