Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hồn quê trên miền “đất gió”

Hà Minh Hưng - 12:07, 10/11/2021

Khi nhắc đến huyện Than Uyên (Lai Châu) mọi người thường nghĩ đến cánh đồng Mường Thanh trù phú, được người Thái xếp hạng “Nhất Thanh, nhị Lò, tam Than, tứ Tấc”, đứng thứ ba trong tứ đại cảnh đẹp của Tây Bắc. Nếu nói đến dân ca, dân vũ ở vùng đất này, người ta sẽ nghĩ ngay đến hát then - đàn tính, múa xòe của đồng báo Thái. Nhưng nếu ai đã một lần ghé thăm làng văn hóa khu 8 - thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên sẽ biết thêm về một làng quê vùng chiêm trũng của đồng bằng Bắc Bộ "thu nhỏ" với những điệu hát chèo da diết.

Cổng làng văn hóa Khu 8 hôm nay (trước kia gọi là làng Xuân Khiêng)
Cổng làng văn hóa Khu 8 hôm nay (trước kia gọi là làng Xuân Khiêng).

Mối tơ duyên Xuân Hồng - Xuân Khiêng

Đi từ hướng thành phố Lai Châu về đến cửa ngõ của thị trấn Than Uyên, sát quốc lộ 32C có một cổng làng mô phỏng theo dáng cổng làng xưa “Thượng thu, hạ thách”. Mái cổng lợp bằng ngói đất nung, kiểu mũi hài, ở giữa là cửa chính rộng, hai bên gồm bốn cột trụ, liền sát bên ngoài là hai cửa phụ mang tính tượng trưng. Trong làng tuy không có hình ảnh mái đình, cây đa đi cùng, nhưng không gian cảnh trí làm cho người ta liên tưởng đến vẻ bình yên của một làng quê Việt.

Trẻ con nơi đây truyền khẩu những câu hát chèo như một bài đồng dao: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/Có về Nam Định với anh thì về/Nam Định có bến đò Chè/Có sông tắm mát có nghề cửu canh…”. Những câu ấy vẫn thường được mở màn cho một chương trình văn nghệ của bà con và được các “nghệ sĩ” làng Xuân Khiêng đặt lời cho một làn điệu chèo nhằm thỏa nỗi nhớ quê.

Những năm 60 của thế kỷ XX, hưởng ứng phong trào “Khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới”, 30 hộ gia đình, 162 nhân khẩu của làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định), tình nguyện viết đơn xin lên miền núi cùng với các đồng bào dân tộc Tây Bắc. Hôm nay, mỗi khi nhắc lại ngày chia tay quê hương đi xây dựng vùng kinh tế mới, nhiều người còn bồi hồi, xúc động. Ông Đặng Hùng Gia (84 tuổi) - nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Xuân Khiêng đầu tiên nhớ lại: “Ngày 1/4/1965 (tức ngày 3/2 năm Ất Tỵ), bà con nhân dân xã Xuân Hồng tập trung kín sân kho HTX. Những cái bắt tay như không muốn rời, những cái ôm chặt đến nghẹt thở, cảnh chia tay bịn rịn nhiều người không cầm được nước mắt…

Sau 8 ngày ròng rã, người vai gánh, đầu đội, tay xách, nách đeo, ngày đi, đêm nghỉ, lội suối trèo đèo, cuối cùng Đoàn đã đặt chân tới bản Khiêng vào ngày 8/4/1965 tức ngày (7/3 năm Ất Tỵ) và ngày 7 tháng 3 hằng năm được chọn là ngày hội truyền thống của làng”.

Đến nơi ai cũng mệt mỏi rã rời chân tay. Nhưng chứng kiến cảnh bà con bản Khiêng đón tiếp nồng nhiệt, cờ, băng zôn, biểu ngữ giăng đỏ đường đón chào đoàn, vậy là cái lạ lẫm, đói, mệt bỗng tan biến. 

Ngày đầu, mỗi hộ được bố trí ở trong một gia đình bà con bản Khiêng. Sau một tháng thì người dân được nhận mặt bằng để định cư và ổn định sản xuất. Để nhớ cái ơn đùm bọc của bà con bản Khiêng, sau khi ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, bà con quyết định đặt tên làng là Xuân Khiêng (lấy tên đầu của xã Xuân Hồng ghép với tên bản Khiêng), sau này HTX Xuân Khiêng từ đó mà thành lập.

Mang hát chèo lên quê mới

Mỗi khi nhắc đến gánh hát Xuân Khiêng, bà con ở khu 8 đều nhớ đến ông Đặng Nguyên Thử, nguyên Đội trưởng Đội văn nghệ, thầy giáo vỡ lòng đầu tiên của làng Xuân Khiêng. Mặc dù ông đã về với tổ tiên nhưng những đóng góp của ông để lại cho hậu thế luôn được người làng nhớ đến và trân trọng.

Ngôi nhà của ông Thử xây dựng theo lối kiến trúc vùng nông thôn Bắc Bộ, khung nhà làm bằng cột gỗ, mái ngói tường trát vách xi măng đơn sơ nhưng ấm cúng. Trên bốn bức tường của căn nhà là hàng chục tấm bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận, những thành tích của ông và Đội văn nghệ HTX Xuân Khiêng. Anh Đặng Thanh Tuấn, con trai ông Thử mỗi khi nhắc về cha, về gánh hát, lại rưng rưng kể về những kỉ vật một thời của cha mình. Đó là cây đàn tam đã nhẵn thín, mòn tẹt chỗ tay, kia cây sáo trúc sẫm như màu bồ hóng, thanh la đã lõm vết chạm, đôi guốc mộc, áo tứ thân… mọi thứ được anh gìn giữ như báu vật.

Một tiết mục chèo bà con Khu 8 trong ngày hội truyền thống của làng
Một tiết mục chèo bà con Khu 8 trong ngày hội truyền thống của làng

Gia tài ông Thử để lại cho hậu thế là trên 20 vở chèo, hoạt cảnh do chính ông biên soạn. Trong những thập niên từ 60 đến 80 của thế kỷ trước, mỗi khi nhắc đến cái tên chiếu chèo Xuân Khiêng, bà con ai cũng háo hức đón chờ như chờ một làn gió mát giữa đêm hè oi bức. Vào các dịp lễ hội của làng, sau những tiết mục văn nghệ, những trò chơi dân gian, mọi người lại vây kín lấy ông Thử để nghe kể chuyện về gánh hát, hay những ngày đầu lên miền núi khai hoang xây dựng kinh tế... Những lúc khỏe khoắn, ông Thử dành thời gian truyền dạy cho con cháu những làn điệu chèo cổ của quê hương.

Bà con khu 8 kể, ngày xưa thời ấu thơ, cậu bé Thử say chèo như điếu đổ, hễ cứ nghe trống chèo thi nhịp ở đâu là ông và lũ bạn lại chuẩn bị đóm, đuốc để tối đi xem, có hôm bỏ cả cơm tối đến thật sớm vì sợ không có chỗ. Lớn lên vì quá yêu môn nghệ thuật truyền thống này, ông xin vào gánh hát chèo của làng Hành Thiện. Ban đầu chỉ là chân anh gánh hòm đồ, trải chiếu sân đình phục vụ gánh hát. Sau này, ông được các nghệ nhân truyền dạy, với niềm say mê, yêu chèo và năng khiếu bẩm sinh, dần dần ông trở thành kép chính có hạng của phường chèo Xuân Hồng. 

Lên vùng đất mới, anh kép Thử cùng bà con luôn trong tình cảnh chạy giặc Mỹ rải bom. Ngày bà con sơ tán vào rừng trú ẩn, đêm đến lại đốt đuốc ra đồng. Lớp học vỡ lòng của thầy Thử được dựng ở ngay bìa rừng, chỉ là tranh tre nứa lá, bàn học cũng là những cây rừng ghép lại. Trong những ngày tối tăm, gian khổ ấy, người ta vẫn thấy lanh lảnh vang lên tiếng trẻ đọc bài.

Để mang đến niềm vui tinh thần cho bà con, sau những buổi lao động sản xuất tập thể, anh giáo Thử lại mượn những nhân vật trong chèo để pha trò, mang đến tiếng cười cho bà con. Mọi người hòa theo, nhập cuộc bằng những câu chèo. Cái mệt, cái buồn tự dưng tan biến. Đội văn nghệ HTX Xuân Khiêng ra đời trong hoàn như thế.

Ngoài những vở chèo cổ, ông Thử biên kịch những vở chèo mới phù hợp với hoàn cảnh bà con lúc bấy giờ như vở: “Con lợn sổng chuồng”, “Ông Đưỡng về quê”, Cánh cửa sổ…” dựa trên làn điệu chèo truyền thống, ông Thử cải biên theo theo lối tích xưa, chuyện nay, mang hơi thở và tâm sự cuộc sống của bà con trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Nhưng đồng thời nói lên tinh thần cách mạng, xây dựng xã hội chủ nghĩa, niềm tin vào Đảng vào Bác Hồ. Ngày ấy cứ vào tối thứ Năm và Chủ nhật, chiếu chèo Xuân Khiêng vẫn trải đều đặn phục vụ bà con. Ngày tập, đêm diễn, không lúc nào làng Xuân Khiêng ngơi tiếng trống, tiếng phách… tất cả cứ tưng bừng náo nhiệt. Làng lại vui như mở hội.

Tại nhà văn hóa, ông Phạm Trường Sơn, Bí thư Chi bộ khu 8 giới thiệu cho chúng tôi về những hình ảnh của khu qua những bức ảnh đã úa màu theo thời gian. Phía cuối nhà văn hóa là nơi cất giữ những nhạc cụ và trang phục diễn chèo. Ông Sơn cho chúng tôi biết: “Hằng năm, khi làng tổ chức các hoạt động văn nghệ, những tiết mục chèo của các cụ vẫn thu hút đông bà con xem nhất. Đến nay, những lớp diễn viên của đội chèo Xuân Khiêng không còn nhiều, nhưng bà con sẽ cố gắng lưu giữ một phần nhỏ vốn chèo cổ như một niềm tự hào của quê hương Nam Định”.

Hơn 50 năm qua, người còn người mất, nhưng chưa khi nào điệu chèo vắng bóng trong đời sống sinh hoạt của bà con khu 8.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.