Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ ban ngành có liên quan; đại biểu 8 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; đại diện các nhà khoa học, Người có uy tín…
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh: Việc xác định thành phần dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để thực hiện các quan điểm của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước. Hội thảo là một trong những nội dung quan trọng để hoàn thiện Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam”; chính vì vậy, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ có những ý kiến tham gia sát với tình hình thực tế của địa phương để Hội thảo đạt được kết quả cao nhất.
Năm 1979, trên cơ sở điều tra, nghiên cứu của Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thống nhất với Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ và được Chính phủ ủy nhiệm cho Tổng cục Thống kê ký ban hành “Danh mục các dân tộc Việt Nam”.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai tại cơ sở, Ủy ban Dân tộc đã nhận được nhiều ý kiến, văn bản của các bộ, ban, ngành, các địa phương… về những vướng mắc liên quan đến tên gọi, cách ghi thành phần dân tộc trong các giấy tờ tùy thân của công dân. Nhiều tỉnh, thành phố đã sử dụng tên gọi, thành phần dân tộc trong các văn bản hành chính chưa thống nhất với các cơ quan Trung ương…
Trước những bất cập này, ngày 01/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng Danh mục các dân tộc Việt Nam” trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Để bổ sung cơ sở thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ của Đề án, Uỷ ban Dân tộc đã, đang và sẽ tiếp tục tiếp thu, lấy ý kiến các nhà khoa học, Người có uy tín, già làng, trưởng bản… để từ đó thống nhất cách viết, tên gọi một số dân tộc.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tham luận, phát biểu ý kiến xoay quanh lịch sử tên gọi, cách viết một số dân tộc tại cộng đồng và những luận cứ khoa học về tên gọi, cách viết này…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp, tham vấn của các đại biểu về tham dự Hội thảo. Đồng thời cho rằng những ý kiến này thể hiện sự tâm huyết, nghiên cứu công phu về tiếng nói, chữ viết, tên gọi của một số dân tộc. Đây sẽ là căn cứ quan trọng giúp Ban chỉ đạo xây dựng Đề án nghiên cứu, chỉnh sửa phù hợp để trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị trong thời gian tới với mục tiêu hướng tới sự thống nhất chung trong cách viết, tên gọi đối với một số dân tộc trong thời gian tới.