Một thời bưởi “thất thế”
Gần 10 năm trước, tôi đến Phúc Trạch để viết về cây bưởi nhưng đó là câu chuyện bưởi không ra trái. Thời đó, từ cán bộ đến người dân, ai cũng sốt sắng cho cây bưởi. Bà Trần Thị Hà, Chủ tịch xã lúc bấy giờ cứ ái ngại mãi: “Giữa đất bưởi, mùa bưởi mà chị không kiếm nổi một quả bưởi để mời các em. Thật buồn!”.
Chính bà Hà cũng không hiểu vì lý do gì mà bưởi cứ ra hoa ngát thơm nhưng không đậu quả. Lý giải của bà Hà lúc bấy giờ cũng như các cán bộ khác là do biến đổi khí hậu. Còn người dân thì lý giải: Khi chặt hết các bờ tre để xây tường gạch, cây bưởi thiếu đi sự che chắn nên không ra quả.
Và có một thực tế là thời điểm đó, cây dó trầm đang lên ngôi, giá bán cao ngất ngưởng. Đất ở Phúc Trạch rất phù hợp với cây dó trầm, thế là nhà nhà thi nhau trồng dó trầm. Hễ có khoảng đất trống là có cây dó trầm mọc lên. Từ 250ha đất quy hoạch trồng bưởi, cả Phúc Trạch lúc bấy giờ chỉ còn chưa đến 30 ha bưởi. Những vườn bưởi tiền tỷ cũng bị đốn ngã, nhường chỗ cho cây dó trầm.
Hồi sinh giống bưởi quý hiếm
Lần này chúng tôi trở lại xã Phúc Trạch, ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã hồ hởi: So với lần trước thì bưởi bây giờ đã phát triển, bưởi đã lấn át cây dó trầm. Nếu như năm 2012, chỉ có 30ha bưởi thì nay Phúc Trạch có đến 200ha, 70% trong số đó đã cho thu hoạch. Mỗi ha có thể trồng 500 gốc bưởi, nếu đầu tư tốt thì mỗi gốc cho từ 30 đến 50 quả. Trung bình mỗi quả có giá từ 20.000 đồng trở lên.
Theo giới thiệu của ông Khánh, chúng tôi đến cơ sở bảo tồn bưởi Phúc Trạch - thuộc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê. Cán bộ kỹ thuật Võ Tá Tài cho biết: Đề tài “Áp dụng các biện pháp KHKTCN cho bưởi Phúc Trạch” do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đã thành công với giải pháp thụ phấn bổ sung. Thay vì để cây bưởi tự thụ phấn, bà con phải dùng nhị của loài bưởi khác (thường là bưởi chua) để thụ vào nhụy của bưởi Phúc Trạch.
Dưới những gốc bưởi trĩu quả, ông Tài rành rẽ nói về kỹ thuật thụ phấn bổ sung cũng như quy trình chăm sóc cây bưởi. Ông Tài cũng cho biết thêm: Chúng tôi đang nghiên cứu đề tài thụ phấn bổ sung bằng phương pháp cơ giới. Bà con sẽ không còn mất nhiều công sức để thụ phấn thủ công nữa, chi phí nhân công sẽ giảm, bà con sẽ có thêm thu nhập từ cây bưởi.
Để kiểm chứng lời ông Tài, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Tất ở xóm 11. Ông Tất trồng lại bưởi cách nay 5 năm, sau khi kỹ thuật thụ phấn bổ sung được áp dụng rộng rãi. Với 120 gốc bưởi cho thu hoạch, mùa này nhà ông thu khoảng 2.000 quả bưởi. “Nếu mua lẻ tại vườn, tôi bán giá 35.000 đồng/quả, còn mua buôn thì sẽ thỏa thuận giảm xuống”, ông Tất cho biết.
Nói về mùa bưởi năm nay, ông Võ Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Trạch cho biết: “Năm nay hạn hán nên không phải là năm được mùa bưởi, nhưng chất lượng thì hơn hẳn các năm trước. Bưởi Phúc Trạch hồi sinh, chúng tôi vui mừng khôn xiết, thế là cây bưởi lại trở lại ngôi vị là cây chủ lực của xã. Bưởi Phúc Trạch lại lên tàu để ra Bắc vào Nam, tự hào lắm chứ!”.