Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu

H.Trường-T.Nhân - 08:01, 27/11/2023

Để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc được trường tồn và được nhiều người biết đến, những nghệ nhân Cơ Tu ở Quảng Nam đã không ngừng sáng tạo, làm ra những sản phẩm mẫu mã mới, đa dạng phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, nghề truyền thống của cha ông được duy trì, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Các thành viên trong tổ dệt chỉ nhau cách tạo nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo
Các thành viên trong tổ dệt chỉ nhau cách tạo nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo

Từ ý thức của người dân

Với người Cơ Tu ở huyện Đông Giang (Quảng Nam), nghề dệt thổ cẩm là một phần không thể thiếu trong đời sống. Trước đây, nhà nhà đều có khung dệt, người người đều biết dệt. Tuy nhiên theo thời gian, nghề dệt cũng dần bị mai một do nguyên liệu khan hiếm, nhu cầu sử dụng những sản phẩm thổ cẩm không còn nhiều.

 Hiện nay, trên địa bàn huyện còn khoảng hơn 100 người theo nghề, chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi. Họ miệt mài với đường kim, mũi chỉ để tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang bản sắc văn hoá Cơ Tu nhưng được cách tân một cách hiện đại hơn.

Theo những nghệ nhân nơi đây, họ giữ nghề không chỉ vì nghề dệt thổ cẩm mang lại thêm thu nhập, trang trải cuộc sống mà trên hết là họ muốn giữ lại nét tinh hoa của cha ông. Do đó, các nghệ nhân vẫn hằng ngày động viên nhau cố gắng theo nghề, họ mong muốn một ngày gần nhất, đầu ra của các sản phẩm được cải thiện, thu nhập sẽ tăng lên.

Tại tổ dệt thổ cẩm truyền thống thôn Đhrôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang), chúng tôi trực tiếp chứng kiến những nghệ nhân đang miệt mài dệt nên những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo. Tổ dệt thổ cẩm này có khoảng 20 người, ai nấy đều thoăn thoắt tay chân trên những tấm vải màu, xanh đỏ. 

“Ngày trước làm hoàn toàn bằng thủ công, nguyên liệu phải vào rừng kiếm như bông về kéo sợ, vỏ cây về nhuộm nên vải chỉ ba màu chính là đỏ, đen, trắng. Để dệt được một bộ đồ để mặc cũng rất kỳ công. Nhưng hiện nay, người dân sử dụng len để dệt thổ cẩm nên nhanh hơn, màu sắc và hoa văn cũng đa dạng hơn. 

Bởi thế, muốn sản phẩm đẹp, thì khâu nhuộm được coi là quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm, thẩm mỹ cao để pha màu sao cho đa dạng và hài hoà” chị chị Blong Thị Tơn (36 tuổi, xã Tà Lu) cho biết.

Mặc dù thu nhập thấp từ nghề dệt, nhưng người dân vẫn miệt mài giữ làng nghề vì sợ mai một
Mặc dù thu nhập thấp từ nghề dệt, nhưng người dân vẫn miệt mài giữ làng nghề vì sợ mai một

Cũng theo chị Blong Thị Tơn, việc dệt thổ cẩm không nặng nhọc như công việc nương rẫy, tuy nhiên cần phải có sự tỉ mỉ, kiên trì và có sự khéo léo. Nếu ngày trước, phần lớn là các sản phẩm phục vụ cho gia đình, hoặc trang phục truyền thống; thì hiện nay mẫu mã sản phẩm được đa dạng hơn, phong phú hơn về hình thức và được nhiều khách hàng ưa chuộng hơn.

Tuy nhiên, vấn đề đầu ra của sản phẩm thổ cẩm vẫn gặp khó, giá bán quy ra ngày công thì cũng quá thấp, không đáng bao nhiêu. “Nhiều người không mặn mà với nghề là thế. Như một chiếc váy thổ cẩm dành cho phụ nữ thì có khi hơn cả tháng mới xong, áo nam thì cũng gần nửa tháng mới hoàn thành một chiếc, nhưng giá chỉ từ 500.000 – 1000.000 đồng/sản phẩm. Nếu tính ra ngày công, thì chỉ 20.000-30.000/ngày, quá thấp. Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền có hướng quảng bá sản phẩm, đồng thời hỗ trợ thêm cho chị em để tăng thu nhập, giữ làng nghề được tốt hơn”, chị Tơn chia sẻ thêm.

Đang cặm cụi bên khung dệt, bà Bling Thị Têng, cho biết: Bà biết dệt từ khi 12 tuổi, lúc đó thấy mẹ dệt nên cũng tập tành học theo. Đến khoảng 14-15 tuổi thì cũng rành những đường kim, mũi chỉ, và các hoa văn trên các sản phẩm thổ cẩm. Tuy nghề dệt thổ cẩm đã từng bước khởi sắc trở lại, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đầu ra sản phẩm vẫn rất ít, phần lớn phụ thuộc vào khách đặt hàng.

"Nếu tính theo thu nhập để sống với nghề, thì rất khó. Nhưng mọi người vẫn động viên nhau giữ nghề, vì đây bản sắc từ xa xưa của cha ông để lại. Nếu mất thổ cẩm thì con như người Cơ Tu cũng mất đi bản sắc”, bà Têng bộc bạch.

Đến sự trợ lực của chính quyền

Trao đổi với phóng viên về định hướng khôi phục và phát tiển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, gắn với phát triển du lịch tại địa phương, ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết: Địa phương rất quyết tâm trong việc bảo tồn, phát huy các yếu tố làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS. Trong đó, có làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, làng nghề đan lát, chế biến rượu cần… được chú trọng đầu tư để phát triển thành sản phẩm đặc thù, gắn với phát triển du lịch ở địa phương, cải thiện thu nhập cho người dân.

“Vừa rồi UBND huyện Đông Giang đã có Đề án phát triển văn hoá gắn với du lịch trên địa bàn giai đoạn 2022-2025; đồng thời có các nghị quyết về việc khôi phục và phát triển các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống và các nghề thủ công khác tại địa phương.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang triển khai thực hiện việc kết nối du lịch đến các làng nghề. Địa phương cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của các làng nghề trên các nền tảng số và tại các hội chợ, triển lãm để đầu ra sản phẩm được tốt hơn, cải thiện thu nhập cho người dân và đồng thời góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá của địa phương”, ông Tùng nhấn mạnh.

Bà Bling Thị Têng đang miệt mài giữ nghề truyền thống của đồng bào mình
Bà Bling Thị Têng đang miệt mài giữ nghề truyền thống của đồng bào mình

Cũng theo ông Tùng, Dự án 6 thuộc, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã hỗ trợ rất lớn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách bảo tốn và phát triển làng nghề, trong đó có làng nghề dệt thổ cẩm ở Đhrôồng. Để triển khai hiệu quả dự án này, ngoài hoàn thiện các thủ tục giải ngân vốn, UBND huyện đã tổ chức các lớp tập huấn đến với người dân ở các làng nghề, từ đó cải giúp cải thiện sinh kế đến với người dân.

Chị Bhling Treng, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng cho biết: Chị bắt đầu biết dệt từ 15-16 tuổi. Ngày trước, chủ yếu dệt quần, áo cho gia đình và cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, mới đây chị đã đứng ra vận động cùng một số chị em thành lập tổ dệt Đhrôồng, với mong muốn cải thiện thu nhập cho các thành viên, đồng thời góp phần giữ gìn nét văn hoá của đồng bào mình. "Trước đây, người dân tự trồng bông, kéo sợi, nên có khi cả năm mới dệt được tấm vải thổ cẩm lớn. Còn hiện nay, nguyên liệu trên thị trường nhiều, nên mỗi năm mỗi người nếu làm nhanh thì được vài tấm", chị Bhling Treng cho hay.

Theo chị Treng, hiện nay, thu nhập từ nghề dệt chưa cao nhưng nhiều người vẫn quyết tâm giữ nghề. Bà con hy vọng, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu có cơ hội hồi sinh. "Mong rằng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ hỗ trợ chúng tôi quảng bá sản phẩm, cải thiện đầu ra. Lúc đó, những người làm nghề dệt thổ cẩm sẽ sống được với nghề và càng quyết tâm hơn trong việc giữ nghề”, chị nói.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.