Giá trị di tích, tâm linh
Trước kia, tại khu vực trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn, có tới hơn 30 hội quán hoạt động lặng lẽ giữa phố thị nhộn nhịp. Một số hội quán được xây dựng cách đây gần 300 năm, số khác xây dựng vào cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX. Hiện nay, hội quán tập trung chủ yếu trên địa bàn quận 5, đường Nguyễn Trãi, Triệu Quang Phục, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông như: Hội quán Hà Chương, Hội quán Tuệ Thành, Hội quán Nghĩa An, Hội quán Phước An…
Các hội quán được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của từng vùng, như: Minh Hương, Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến… Người Hoa thường sử dụng màu đỏ để trang trí cho các hội quán nhằm đem lại sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng.
Điển hình như Hội quán Tuệ Thành, hay còn gọi là “Chùa Bà Thiên Hậu”, “Chùa Bà Chợ Lớn”, có lịch sử lâu đời nhất ở TP. Hồ Chí Minh của cộng đồng người Hoa. Theo các tài liệu được khắc trên văn bia tại chùa, vào khoảng năm 1760, nhiều thương gia Quảng Châu (Trung Quốc) đi tàu sang Việt Nam để buôn bán làm ăn. Quá trình đi biển trên tàu bè phải trông theo hướng gió, các thương gia phải ở lại Việt Nam vài ba tháng mỗi năm, nên nhiều người đã hùn tiền mua đất xây dựng hội quán làm nơi dừng chân và thờ Bà Thiên Hậu.
Theo ông Lư Diệu Nam, Trưởng ban Hội quán Tuệ Thành: Hội quán được dùng làm nơi hội họp làm ăn, kinh doanh, quản lý di dân, giúp đỡ đồng hương, đồng thời cũng là nơi thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Theo truyền thuyết, bà Thiên Hậu có khả năng đặc biệt thấy trước tương lai, cứu những người đi biển, đem lại may mắn, bình an. Cho nên trên chuyến hải hành đến Việt Nam, nhóm người Hoa đã mang theo bài vị của bà để cầu xin phù hộ bình an. Đây là nét tín ngưỡng đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Hoa".
Cũng theo ông Nam, trải qua nhiều đợt trùng tu, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa và độc đáo của người Hoa. Trên đỉnh tượng là hình "Lưỡng long tranh châu", tầng giữa là hình "thầy trò đường tăng", "ba tiêu động", phần đáy là hình tạc theo truyện cổ "Bát tiên quá hải"… Tất cả những quần thể tượng này đều tái hiện cốt truyện, những điển cố nổi tiếng của người Hoa.
Trải qua gần 3 thế kỷ, hội quán vẫn giữ được nét đẹp của công trình kiến trúc cổ. Các kỹ thuật chế tác phù điêu gốm, khám thờ, cả nghệ thuật hội họa và thư pháp trên các tranh tường vẫn còn nguyên vẹn. Dù trải qua bao thăng trầm, mưa nắng, nhưng sự tinh tế, sắc sảo của nghệ thuật chạm khắc gỗ trên các phù điêu hương án vẫn còn sắc nét.
Vào ngày 23/3 âm lịch hằng năm, Hội quán tổ chức lễ dâng hương Vía Bà, cùng các hoạt động văn hóa thu hút người dân và du khách. Năm 1993, Hội quán được công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Kết nối cộng đồng
Trước đây, các hội quán của người Hoa ở Chợ Lớn có vai trò như là trụ sở làm việc của tổ chức Bang. Người đứng đầu mỗi Bang, do các thành viên bầu chọn là phải có uy tín, được sự tín nhiệm của các thành viên. Người đứng đầu phải có tài sản, có tài kinh doanh để bảo đảm thuận lợi cho hoạt động của Bang. Trách nhiệm của Bang trưởng là truyền đạt các mệnh lệnh, phân xử tranh chấp đến các thành viên trong Bang.
Giờ đây, tên gọi Bang không còn phổ biến, mà được thống nhất bằng hội quán nhằm kết chính quyền địa phương với cộng đồng người Hoa. Các hội quán tham gia xây dựng trường học, bệnh viện, chăm lo đời sống cho các hội viên. Hiện nay, các hội trưởng vẫn sử dụng các nguồn thu từ hội quán như tiền thờ cúng miếu, đền, tiền huy động từ các mạnh thường quân đóng góp nhằm phục vụ xã hội.
Theo các nhà nghiên cứu, ngoài yếu tố mang tính “ngôi nhà chung”, nhằm kết nối cộng đồng người Hoa, hội quán còn là nơi giúp đỡ, bảo trợ những thành viên nghèo, gặp hoạn nạn trong xã hội.
TS. Phan An, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ nhận định: Giữa hội quán và các miếu đền của người Hoa có mối quan hệ khá mật thiết, nhằm hỗ trợ vật chất và tinh thần cho cộng đồng người Hoa. Hội quán từng là nơi gặp gỡ của các thương nhân bàn việc kinh doanh, giúp nhau tìm kiếm nguồn hàng, thị trường, phương thức mua bán hàng hóa.
Hiện nay, vai trò kết nối giữa người Hoa với các thương nhân Trung Hoa đồng hương không còn. Các thành viên hội quán vẫn gặp gỡ, trao đổi, đóng góp kinh phí để làm các hoạt động từ thiện. Trong đó, công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ dạy học được quan tâm nhiều hơn”.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, hội quán của người Hoa ở Chợ Lớn gắn liền cộng đồng di dân, đã hòa nhập với một môi trường mới. Hội quán giữ vai trò gìn giữ bản sắc văn hóa, liên kết cộng đồng. Một số hội quán trở thành những di sản văn hóa kiến trúc cấp quốc gia. Các di tích hội quán trở thành không gian sống cộng đồng, có lịch sử văn hóa và kiến trúc đặc trưng ở vùng Chợ lớn xưa, TP. Hồ Chí Minh nay.