Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hội chọi bò của đồng bào Mông trên đất Tây Nguyên

Lê Hường - 17:08, 27/02/2023

Vào tháng Giêng hằng năm, đồng bào dân tộc Mông xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk lại nô nức tổ chức Lễ hội mừng Xuân. Trong rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống hấp dẫn, hội chọi bò được mong đợi nhất. Đây là nét văn hóa truyền thống lâu đời được bà con người Mông mang đến quê hương mới.

Đông đảo Nhân dân và du khách đến xem hội chọi bò
Đông đảo Nhân dân và du khách đến xem hội chọi bò

“Con bò chọi là thành viên trong gia đình”

Bãi đất rộng, bằng phẳng nằm lọt giữa những quả đồi xanh rì được người dân rào bao quanh cẩn thận. Đây chính là trường đấu của các "đấu sĩ" bò. Trong tiết trời se lạnh đầu Xuân, hàng nghìn người dân và du khách khắp nơi đổ về cổ vũ các "đấu sĩ" bò với những màn giao tranh kịch tính.

Theo phong tục từ xa xưa, đồng bào Mông đã có truyền thống nuôi bò để đi cày ruộng và để tham gia những ngày hội chọi bò. Vì thế, dù sống ở đâu, mỗi hộ gia đình đồng bào Mông đều nuôi ít nhất một con bò. Đối với đồng bào dân tộc Mông, con bò gần gũi, thân thiết “là đầu cơ nghiệp”, nhất là bò chọi được xem như thành viên trong gia đình. Con bò không chỉ là vật nuôi mà người Mông yêu quý, mà còn thể hiện sự giàu sang của mỗi gia đình.

Nuôi bò chọi từ khi còn ở quê hương Bắc Kạn, ông Sùng Văn Lùng ở thôn Ea Lang, là một trong những người có nhiều kinh nghiệm nuôi bò chọi ở Cư Pui. Trong nhà ông lúc nào cũng có vài con bò chọi. Ông Lùng cho biết: Chọi bò là truyền thống lâu đời mà bà con đồng bào Mông rất thích xem, nên đối với người đam mê nuôi bò chọi thì mỗi con bò chọi, là một thành viên trong gia đình.

Ông Sùng Văn Lùng, một trong những người nuôi và am hiểu về bò chọi của xã Cư Pui
Ông Sùng Văn Lùng, một trong những người nuôi và am hiểu về bò chọi của xã Cư Pui

Xã Cư Pui có 13 thôn, buôn với hơn 14.000 nhân khẩu. Toàn xã có 14 dân tộc cùng sinh sống. Ngoài đồng bào dân tộc tại chỗ như Ê Đê, Mnông còn có đông đảo các dân tộc từ phía Bắc di cư vào, trong đó dân tộc Mông chiếm tỷ lệ lớn.

Xa quê vào đây lập nghiệp, nhiều gia đình đồng bào Mông vẫn duy trì việc nuôi bò chọi. Hội chọi bò ở đây đã có từ nhiều năm, nhưng trước đây chỉ tổ chức với quy mô nhỏ, tạo không khí vui tươi trong những ngày đầu Xuân năm mới. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm gần đây hội chọi bò được tổ chức cùng các hoạt động vui Xuân khác, quy mô mở rộng hơn và có nhiều người dân ở các địa phương khác đến tham dự.

Thú chơi cũng lắm công phu

Những con bò tham gia hội chọi được lựa chọn tỷ mỉ, cẩn thận, cặp sừng dài, cong, đôi mắt nhỏ sâu, thân hình lực lưỡng, săn chắc. Con bò đấu không những phải to khỏe, mà còn được chăm sóc đặc biệt, được huấn luyện đàng hoàng.

Màn giao tranh của một cặp bò trong hội chọi bò ở Cư Pui
Màn giao tranh của một cặp bò trong hội chọi bò ở Cư Pui

Theo ông Dương Văn Thà,  Bí thư Chi bộ thôn Cư Rang, một trong những người có kinh nghiệm nuôi bò chọi, việc lựa chọn và nuôi dưỡng một con bò chọi rất kỳ công, nên người nuôi phải kiên nhẫn. Con bò được chọn để chăm sóc, huấn luyện thành bò chọi phải có dáng lực lưỡng, săn chắc, đầu tư, mắt nhỏ, má dày, da dày, lông mượt, hai tai ngắn ép vào thân, chân to khỏe. 

Trong quá trình chăm sóc phải xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để bò không quá béo hoặc quá gầy thì sẽ ảnh hưởng đến sức chiến đấu. Đặc biệt, thời gian gần trước khi tham gia thi đấu hạn chế tối đa việc cho bò chọi giao phối sinh sản.

Theo phong tục Hội chọi bò chỉ diễn ra 3 đợt mỗi năm, vào mùng 6 Tết, Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy. Hội chọi bò của đồng bào Mông tại Cư Pui được tổ chức từ năm 2010, đến nay đã trở thành ngày hội truyền thống, được tổ chức hàng năm, thu hút hàng nghìn người dân và du khách dịp đầu năm mới.

Sau 2 năm tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay, Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc xã Cư Pui được tổ chức trở lại vào ngày 6 Tết, với chủ đề Chào Xuân Quý Mão 2023. Ngày hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động hấp dẫn, trong đó có Hội chọi bò của đồng bào Mông.

Hội chọi bò Cư Pui năm 2023 có 12 "đấu sĩ" bò được đăng ký tham gia. Những "đấu sĩ" bò chọi được các chủ bò có kinh nghiệm tuyển chọn giống mua ở Thái Lan, Lào và các địa phương trong nước về nuôi, huấn luyện.

Để bảo đảm an toàn cho Ngày hội, công tác tổ chức được chuẩn bị chu đáo, sân bãi được rào chắn kỹ càng. Ban Tổ chức thành lập Tổ giám khảo, gồm những người có kinh nghiệm trong việc nuôi chăm sóc bò, am hiểu về đặc tính của bò chọi để điều hành các cặp bò thi đấu. Các cặp bò được bốc thăm thi đấu loại trực tiếp. 4 "đấu sĩ" bò chiến thắng cuối cùng sẽ vào bán kết, tranh giải nhất, nhì, ba.

Một "đấu si" bò chọi được chọn tham gia hội thi
Một "đấu si" bò chọi được chọn tham gia hội thi

Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết: Những năm qua, địa phương đang nỗ lực khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, các hoạt động văn hóa của các dân tộc phía Bắc, như chọi cù, ném còn, thổi khèn, múa khèn của người Mông và chọi bò được tổ chức vào dịp sau Tết Nguyên đán thu hút rất đông người tham gia.

Có thể nói Hội chọi bò ở xã Cư Pui đã trở thành nét văn hóa đặc sắc riêng của đồng bào Mông trên cao nguyên Đắk Lắk. Như năm nay, các hoạt động văn hóa này thu hút hơn 3.000 người đến xem, có cả những du khách đến từ các huyện Ea Súp, M’đrắk, Krông Pắk và ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông... về tham dự.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.