Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách dân tộc: Cần công khai minh bạch thông tin kểm tra, giám sát (Bài 3)

Hiếu Anh - 09:09, 14/07/2022

Qua thực tiễn chứng minh, việc công khai minh bạch thông tin kiểm tra giám sát, đã góp phần đưa việc thực hiện chính sách ở vùng DTTS và miền núi được triển khai kịp thời, đúng mục đích, đối tượng thụ hưởng.

Cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tại Dự án Thủy Điện Tràng Định 2 (ảnh của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn)
Cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tại Dự án Thủy Điện Tràng Định 2 (ảnh của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn)

Cơ sở chuyển động

Hai buôn Hang Ja và Yang Kring, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk vốn là vùng giàu truyền thống cách mạng. Tuy nhiên, người dân của 2 buôn này trước đây gặp rất nhiều khó khăn như, cơ sở hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí không đồng đều, thiếu đất, vốn sản xuất. Sau khi nắm bắt, tiếp nhận thông tin phản ánh từ cán bộ buôn, người dân..., chính quyền cũng như một số tổ chức đoàn thể các cấp đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sở.

Thông qua buổi đối thoại kiểm tra giám sát, Đoàn công tác đã kiến nghị chính quyền huyện Lắk kịp thời điều chỉnh bổ sung các chính sách đang thực hiện. Theo đó, UBND huyện bố trí nguồn vốn để xây dựng đoạn đường 1,5 km đường giao thông nội buôn Hang Ja; nghiên cứu xem xét bê tông hóa kênh mương từ đập Đăk Ju đi đến cánh đồng buôn Hang Ja, và hệ thống kênh mương buôn Yang Kring. Về vấn đề bố trí việc làm, lãnh đạo huyện ưu tiên xem xét 10 em đã tốt nghiệp đại học cao đẳng trong 2 buôn.

Về vấn đề giải quyết đất sản xuất, đây được coi là khúc mắc lớn nhất của người dân cũng đã được chính quyền ghi nhận. Theo đó, chính quyền huyện Lắk, đã rà soát chính xác các hộ đồng bào DTTS của 2 buôn Hang Ja và Yang Kring thiếu đất. UBND huyện cũng xem xét thu hồi đất rừng Nam Ka giao cho người dân quản lý.

Có thể nói, thông qua kiểm tra giám sát, những khó khăn vướng mắc trong vùng DTTS đã được giãi bày, qua đó giúp cho chính quyền địa phương giải quyết chính sách một cách phù hợp hơn.

Trên thực tiễn không phải lúc nào các chính sách, dự án trong vùng dân tộc và miền núi cũng được kiểm tra giám sát một cách công khai minh bạch, nghiêm túc. Đơn cử, như 12/5/2021 Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lạng Sơn do ông Hoàng Văn Tài, Phó Trưởng ban làm Trưởng đoàn công tác đã đi thực địa, tại vị trí xây dựng Dự án Thủy điện Tràng Định 2 (xã Đào Viên, huyện Tràng Định). Dự án được xây dựng trên dòng sông Kỳ Cùng gồm 2 tổ máy, với tổng công suất lắp đặt 29,8MW, do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn đề xuất đầu tư.

Trong buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các cơ quan đã bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án Thủy điện Tràng Định 2 cho Công ty Cổ phần Thuỷ điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn thực hiện.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Hoàng Văn Tài còn đánh giá cao tinh thần chuẩn bị của Nhà đầu tư, sự chủ động và tuân thủ quy trình thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và các cơ quan liên quan, đánh giá hồ sơ dự án cơ bản đáp ứng được yêu cầu. 

Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, xác minh của báo Dân tộc và Phát triển, dự án này có rất nhiều khuất tất chưa được làm rõ, trong đó, có việc thẩm định điều kiện của chủ đầu tư, quá trình thi công của dự án ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cho dự án, liên quan việc đền bù và sinh kế cho đồng bào DTTS tại cơ sở chưa thấu đáo, dẫn đến tình trạng người dân nhiều lần có đơn thư kiến nghị, bức xúc.

Như vậy có thể thấy, cuộc kiểm tra giám sát này, mới chỉ có “tinh thần chuẩn bị của Nhà đầu tư” là rất tốt (theo đánh giá của trưởng đoàn công tác). Thế nhưng, quá trình kiểm tra chưa nhìn nhận được những bất cập, thậm chí bức xúc từ cơ sở.

Người dân phản ánh bức xúc về dự án Thủy điện Tràng Định 2
Người dân phản ánh bức xúc về dự án Thủy điện Tràng Định 2

Kịp thời phát hiện

Có thể nói, thời gian qua, hoạt động giám sát của các đơn vị, nhất là của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; góp phần đưa luật pháp, các Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đặc biệt trong năm qua, HĐND các tỉnh, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri (trực tuyến, trực tiếp; kết hợp trực tuyến, trực tiếp); tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của Nhân dân và cử tri, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt cao, trên 85%. Nhờ đó, nhiều vụ việc bức xúc ở cơ sở đã được giải quyết.

Tiêu biểu như, HĐND tỉnh Quảng Ninh thời gian qua tích cực giám sát theo chuyên đề về chính sách dân tộc. Vào tháng 5/2022, HĐND tỉnh đã giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về điều hành ngân sách; chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh”. 

Qua hoạt động giám sát, các đoàn giám sát đã phát hiện một số tồn tại hạn chế, từ đó đề nghị các cấp chính quyền, các ngành có giải pháp khắc phục. Như Đoàn giám sát công tác tại huyện biên giới Bình Liêu, đã phát hiện 2 dự án lớn là cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh kết nối đến Quốc lộ 18C, huyện Bình Liêu và giai đoạn 1 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường tràn vượt lũ trên địa bàn huyện đang chậm tiến độ. Theo đó, đoàn giám sát đề nghị địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư để có thể khởi công trong thời gian sớm nhất..

Đánh giá về công tác giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022, diễn ra ngày 21/2/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu nhấn mạnh, thời gian qua, Quốc hội và HĐND các cấp đã tích cực phát huy vai trò trong giám sát. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp.

Qua đó, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu, thời gian tới, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp cần phải nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong chức năng giám sát. Đặc biệt, công tác giám sát cần được thực hiện một cách công khai minh bạch, đồng thời giải quyết các vấn đề sau kiểm tra giám sát, như vậy mới góp phần đảm bảo các chính sách dân tộc được thực thi một cách hiệu quả. 

Có thể nói, từ thực tiễn đã chứng minh, địa phương nào chú trọng công tác kiểm tra giám sát sẽ tạo được sự đồng thuận chuyển biến tốt, ngược lại nơi nào còn buông lỏng công tác giám sát, sẽ khiến cho chính sách chậm thực thi. Do đó, các địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát, mà trước mắt chính là việc  giải quyết những tồn tại, vướng mắc đã nêu trong công tác này...

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.