Giữa cái nắng, gió của những ngày hanh hao, vùng đất đỏ bazan màu mỡ được điểm xuyến sắc trắng hoa cà phê thêm phần rực rỡ. Khắp đất trời ngất ngây hương thơm nồng nàn, quyến rũ. Từng chùm hoa nhỏ trắng ngần đua mình ra tắm nắng vàng khiến ai đi qua cũng phải xốn xang trước vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa này. Nhìn từ xa, hoa cà phê như những bông hoa tuyết của núi rừng, trũi nặng trên cành.
Không chỉ có nét đẹp đến nao nòng, hoa cà phê còn có mùi thơm đặc trưng rất quyến rũ và ngọt ngào. Hương thơm của hoa không quá nồng nàn mà dịu nhẹ, thanh khiết. Từng bông hoa khẽ khàng tỏa hương theo gió, hòa trong không gian trong lành của núi rừng. Hương thơm hòa lẫn khung cảnh núi non hùng vĩ, trong lành sẽ mang đến cho mọi người cảm giác thư thái, trữ tình.
Là người thường xuyên đi giới thiệu các thắng cảnh của Gia Lai, chị Vòng Thị Huyền, TP. Pleiku, Gia Lai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của miền đất cao nguyên của mình.
Chị Huyền chia sẻ: “Mỗi độ hoa cà phê nở, tôi đều có một cảm xúc riêng. Vẻ đẹp nao lòng của màu trắng tinh khôi khiến tôi không thể rời bước. Để chia sẻ cùng các bạn yêu thiên nhiên, giới thiệu về quê hương Gia Lai, tôi thường xuyên dẫn khách đến tham quan và nhận được phản hồi tích cực với nhiều lời khen của mọi người”.
Chị Phạm Thị Quỳnh Trang, du khách tỉnh Bình Phước, cho biết: “Đến thăm khu vườn ngày hôm nay tôi thấy rất ấn tượng và bị choáng ngợp bởi diện tích rộng lớn và hoa cà phê. Đặc biệt đúng vào thời gian ra hoa ngày hôm nay tôi cảm thấy hương rất ngào ngạt khiến tôi say đắm. Sau khi về, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn gần xa tham quan mảnh đất Tây nguyên và sử dụng các sản phẩm từ cà phê”.
Mùa này, những khoảnh rẫy trồng cà phê cứ nối tiếp nhau thay áo trắng. Cây cà phê cũng chính là cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cho người dân Gia Lai. Vì vậy, mùa hoa cà phê nở không chỉ khiến du khách ngỡ ngàng mà người nông dân trồng cà phê cũng như bị "say" trước hương sắc quyến rũ ấy. Và rồi, họ tự hào về mảnh đất có loài hoa đặc biệt này và sẵn sàng chia sẻ với mọi người để cùng chiêm ngưỡng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai, cho biết: “Vườn cà phê của tôi chăm sóc theo bán hữu cơ nên hoa nở rất là nhiều, thu hút nhiều khách tham quan du lịch đến chụp ảnh tham quan và chiêm ngưỡng. Khi khách đến tham quan, chụp ảnh chúng tôi sẵn sàng, nhiệt tình giới thiệu và quảng cáo sản phẩm cà phê của nông dân mình”.
Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc Gia Rai, Ba Na, họ cũng phấn khởi vì sau mùa hoa nở rộ sẽ là một mùa bội thu nông sản cà phê, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Em Siu Ri A, xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai vui vẻ nói: “Em cùng các bạn hay lên rẫy cùng ba mẹ để chăm sóc cây cà phê. Đồng thời, cũng thường chụp ảnh về hoa cà phê nở trắng muốt, hạt cà phê chín đỏ để khoe cùng các bạn bè nơi khác. Em rất thích những đồi tràn ngập cây cà phê, vì nó không những đẹp mà còn là nguồn thu nhập chính của gia đình em và cả người dân trong làng”.
Với người Gia Lai, hoa cà phê không chỉ mang lại những trái chín đỏ mà còn làm ra mật ong ngọt ngào. Và thời điểm hoa nở cũng là thời điểm đẹp nhất trong năm, mùa con ong đi lấy mật, mùa của lễ hội và mùa hẹn hò của lứa đôi. Mùa đẹp ấy đã đi vào thơ Xuân Diệu với tứ thơ ngọt ngào, trữ tình, níu chân khách: Em đến đây em, đặng bốn bề/ Ta cùng lạc giữa hoa cà phê/ Cho sương ướt tóc, hương đầy áo/Cho trĩu hồn thơm, mới trở về…