Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã nấm Đồng Cam

Hoàng Hương - 06:15, 19/11/2023

Sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 100 tấn nguyên liệu nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi, mộc nhĩ chất lượng, an toàn mỗi năm, Hợp tác xã (HTX) nấm Đồng Cam, xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã tạo được chuỗi liên kết khép kín từ nuôi cấy giống đến tiêu thụ sản phẩm, tạo hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên.

Mô hình trồng nấm thương phẩm, mỗi năm giúp cho ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX nấm Đồng Cam, xã Minh Tân (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Mô hình trồng nấm thương phẩm, mỗi năm giúp cho ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX nấm Đồng Cam, xã Minh Tân (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Chúng tôi đến HTX nấm Đồng Cam thời điểm chuẩn bị thu hoạch nấm và được ông Nguyễn Đức Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: “Nghề trồng nấm ở xã Minh Tân đã có từ cả chục năm trước. Sau thời gian dài, từ nghề phụ tạo công ăn việc làm lúc nông nhàn cho bà con, nay trồng nấm đã thành nghề chính, cho thu nhập cao gấp hai đến ba lần so với nghề nông nghiệp khác ở địa phương”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2004, người dân ở Đồng Cam từng được một dự án phi chính phủ của Mỹ hỗ trợ trồng nấm. Trong 5 năm, người dân được hỗ trợ từ lán trại, kỹ thuật trồng nấm cho đến giống nấm. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc cũng là lúc bà con bỏ nghề trồng nấm này. Lý do là quy mô manh mún, thị trường chưa quen nên thu nhập từ nghề trồng nấm thấp.

Đến năm 2011, được sự giúp đỡ của Trung tâm công nghệ sinh học thực vật, thuộc Viện Di truyền công nghệ Việt Nam, UBND huyện Cẩm Khê, nghề trồng nấm ở Đồng Cam được “hồi sinh”. Lúc đầu, người dân cũng không mặn mà tham gia vào HTX vì trước đây mọi người đã từng trồng nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sau khi được các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, động viên, người dân đã hiểu, cùng tham gia. Đến nay, HTX đã có 21 thành viên.

Khu vực trồng nấm mỡ của HTX Đồng Cam
Khu vực trồng nấm mỡ của HTX Đồng Cam

Hiện, HTX nấm Đồng Cam trồng các loại nấm sò, nấm linh chi, mộc nhĩ, trong đó chủ lực là nấm sò chiếm phần lớn diện tích. Theo ông Nguyễn Đức Thành, nấm sò, nấm linh chi, mộc nhĩ là những loại nấm dễ trồng, dễ chăm sóc, được thị trường ưa chuộng. Từ nhiều năm nay, đầu ra sản phẩm nấm của HTX chủ yếu là thị trường các chợ đầu mối tại Hà Nội, trong tỉnh, huyện. Mỗi năm, HTX xuất bán 10 -15 tấn nấm sò, 3 - 4 tấn mộc nhĩ, 1-2 tấn nấm mỡ, trừ chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng.

Xác định để phát triển bền vững nghề trồng nấm phải có sự liên kết, HTX đã liên kết với gần 20 hộ sản xuất nấm tại địa phương nhằm hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giống, phôi nấm, nguyên liệu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Do đó, sản lượng nấm xuất bán ra ngoài thị trường tăng theo từng năm.

Để nấm của HTX giữ vững “chữ tín” với khách hàng, HTX luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến theo hướng sạch, an toàn từ khâu trồng cấy giống nấm vào bịch, sử dụng thực phẩm hữu cơ để làm phôi nấm đến chăm sóc tưới bằng nước sạch, không dùng chất kích thích, thường xuyên khử khuẩn, diệt nấm mốc trong nhà trồng nấm... Nấm thương phẩm của HTX được bảo quản trong túi ni lông, luôn đảm bảo chất lượng. Với chất lượng nấm tốt, giá cả hợp lý, nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm nấm của HTX ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng.

Giám đốc HTX nấm Đồng Cam Nguyễn Đức Thành giới thiệu sản phẩm nấm của HTX
Giám đốc HTX nấm Đồng Cam Nguyễn Đức Thành giới thiệu sản phẩm nấm của HTX

Ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ địa chính phụ trách nông nghiệp-môi trường xã Minh Tân chia sẻ, nghề trồng nấm ở HTX nấm Đồng Cam hiện nay đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân lúc nông nhàn, tận dụng được những phụ phế phẩm nông nghiệp, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đồng thời, nghề trồng nấm phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

"Trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác đến 3 lần, thị trường tiêu dùng nấm ngày càng cao. Thời gian tới, ngoài sản xuất phôi giống nấm, bán nấm thương phẩm, HTX sẽ nghiên cứu, đưa vào trồng những loại nấm cao sản có giá trị kinh tế cao như nấm đùi gà, nấm hoàng đế...

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sen Đỏ. Cố gắng xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ nuôi cấy giống đến tiêu thụ sản phẩm, tạo hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên trong HTX", ông Thành nhấn mạnh.

Từ chỗ chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn, nghề trồng nấm tại xã Minh Tân đã dần trở thành nghề chính, mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ làm nghề; góp phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động nông thôn.

HTX nấm Đồng Cam đẩy mạnh sản xuất phôi nấm giống, vừa để phục vụ việc sản xuất vừa để bán cho các hộ trồng nấm khác. Ảnh: Mạnh Thuần
HTX nấm Đồng Cam đẩy mạnh sản xuất phôi nấm giống, vừa để phục vụ việc sản xuất vừa để bán cho các hộ trồng nấm khác. Ảnh: MT

Để nghề trồng nấm trên địa bàn phát triển, được đăng ký thương hiệu, đầu ra cho các sản phẩm vào siêu thị lớn..., ông Nguyễn Đức Thành kiến nghị chính quyền địa phương tạo nhiều điều kiện, hỗ trợ cơ chế, chính sách, vốn để thu hút thêm nhiều người dân tham gia vào HTX sản xuất nấm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc quy hoạch khu sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các hộ làm nghề đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, khuyến khích họ tham gia các hội chợ xúc tiến quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường…

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.