Hiệp đồng đấu tranh
Theo báo cáo của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong 5 năm qua, hoạt động của tội phạm ma túy có xu hướng gia tăng cả về tính chất, mức độ nguy hiểm, quy mô… Đơn vị này đã chủ trì xác lập, phối hợp với nhiều lực lượng để triển khai, triệt phá nhiều chuyên án ma túy lớn. Riêng trong năm 2020, từ đầu năm đến tháng 11, Hải quan Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 129 vụ với 162 đối tượng, thu giữ hơn 800kg và gần 400.000 viên ma túy các loại.
Đặc biệt, tại địa bàn các tỉnh biên giới như Điện Biên, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đồng Tháp, Tây Ninh… đến địa bàn các tỉnh trong nội địa như Hà Nam, Ninh Bình, các địa phương có sân bay quốc tế như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… từ đầu năm đến nay, đều đã có những vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy bị lực lượng Hải quan chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng khác triệt phá.
Đáng chú ý, là vụ triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Việt Nam đi Hàn Quốc. Theo hồ sơ, tháng 6/2020, lực lượng chức năng phát hiện một số đối tượng người Hàn Quốc có nhiều biểu hiện nghi vấn liên quan đến đường dây vận chuyển ma túy từ TP. Hồ Chí Minh đi Hàn Quốc tiêu thụ.
Đến tháng 7/2020, chuyên án phối hợp đấu tranh với đường dây này được xác lập, gồm các lực lượng: Công an, Bộ đội Biên phòng và Hải quan. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng được huy động cùng tham gia triệt phá. Chuyên án thành công với việc thu giữ 170kg ma túy, gồm: 159kg ma túy tổng hợp, 19 bánh Heroin, hơn 8.000 viên ma túy tổng hợp và nhiều tài sản (tiền Việt Nam, USD, ô tô, xe máy) liên quan đến vụ án. 27 đối tượng trong đường dây vận chuyển ma túy đa quốc gia sa lưới tại Việt Nam.
Tại Hội nghị sơ kết và trao thưởng chuyên án tổ chức chiều 30/9, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đánh giá, đây là chiến công lớn, thể hiện trách nhiệm cao và sự nỗ lực, cố gắng của các lực lượng. Chiến công này minh chứng cho sự hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hải quan; thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy.
Tăng thêm sức mạnh
Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, hiện trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng tội phạm người nước ngoài và trong nước câu kết chặt chẽ với nhau hình thành đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy với các phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, liều lĩnh, manh động. Các loại ma túy, tiền chất ma túy mới được các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép xuất hiện ngày càng nhiều.
Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp đấu tranh và quán triệt tinh thần hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng địa bàn. Ngoài sự nỗ lực của ngành, cơ quan Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… để đấu tranh có hiệu quả.
Trên thực tế, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy hết sức nguy hiểm và rủi ro nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể phát sinh tiêu cực. Việc phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ làm tăng thêm sức mạnh và tính minh bạch trong công tác này.
Tại Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 9/12/2020, liên quan đến việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội và tham gia của toàn dân.
Cần quy định rõ thêm về trường hợp các cơ quan đều có thẩm quyền xử lý tội phạm ma túy thì cơ quan nào phát hiện tội phạm trước, cơ quan đó có thẩm quyền thụ lý vụ việc và giải quyết. Như vậy, sẽ bảo đảm về nguyên tắc chung trong xử lý vi phạm, tội phạm ma túy”.
Ông Hoàng Thanh Tùng,
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Theo bà Anh, vào thời điểm ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, chỉ có ngành Công an có cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy nên có quy định cơ quan chuyên trách. Từ năm 2004, Chính phủ đã tăng cường công tác phòng, chống ma túy thành lập thêm lực lượng chuyên trách để ngăn chặn, kiểm soát ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Lần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 đã thể hiện cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy gồm cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an Nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển và Hải quan.
“Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội dự kiến chỉnh lý Luật theo hướng nêu rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cho đầy đủ, giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy như Luật hiện hành và không quy định cụ thể các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện tội phạm về ma túy”, bà Anh khẳng định.