Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Hiện tượng bất thường ven sông Mã: Gần 1000 giếng nước lần lượt khô trơ đáy

PV - 10:30, 26/03/2019

Theo phản ánh của người dân, 3 tháng nay, gần 1000 giếng nước ven sông Mã thuộc địa phận xã Yên Thọ (huyện Yên Định, Thanh Hóa) bất ngờ cạn kiệt nước, phần còn lại chuyển màu đen bất thường. Tình trạng trên đang làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Người dân ngao ngán khi nhìn nước giếng khoan đổi màu đen kịt. Người dân ngao ngán khi nhìn nước giếng khoan đổi màu đen kịt.

Nước đổi màu đen

Theo báo cáo của UBND xã Yên Thọ, hiện tượng giếng nước của người dân bị cạn nước diễn ra từ đầu tháng 1 và ngày càng lan rộng. Ngày 25/1, UBND xã Yên Thọ thống kê mới có 450 hộ có giếng bị mất nước, đến nay số lượng giếng mất nước đã tăng lên cả nghìn chiếc.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, ở thôn Tu Mục 2 cho biết: cả tháng nay, gia đình ông đang sống khốn khổ vì thiếu nước sạch trầm trọng, giếng cũ không có nước, ông phải khoan sâu giếng khác mới có nước dùng. Tuy nhiên, khi bơm nước vào chậu, rồi cho nước chè vào thì nước đổi sang màu đen, gia đình vẫn phải lọc để có nước dùng sinh hoạt”.

Cùng thôn gia đình ông Trần Văn Nghĩa cho biết, trong gần 3 tháng qua, ông đã phải bỏ ra gần 10 triệu đồng khoan đến 4 cái giếng ở những vị trí khác nhau, nhưng vẫn trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Ông Nghĩa cho biết: “Giếng khơi của nhà tôi cạn kiệt nước từ ngày 15/1. Tưởng giếng dùng lâu năm bị cát bồi lắng, nhưng khi đào thêm xuống vài mét vẫn không có nước. Tôi tiếp tục mượn thợ đến khoan giếng máy, nhưng khoan liên tục đến 4 cái cũng không đủ nước sinh hoạt. Giờ mỗi ngày may ra bơm được vài lần có nước, mỗi lần chỉ được khoảng 1 khối nước. Biết là nước có nhiều tạp chất, nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận lọc để sử dụng”.

Người dân tại đây cho biết, hiện tượng giếng bất ngờ trơ đáy, giếng khoan cũng chỗ có chỗ không, diễn ra từ đầu tháng Giêng đến nay. Ban đầu, hiện tượng này chỉ xuất hiện ở các giếng nước của những hộ dân sống sát mép sông Mã, sau đó lan rộng vào các hộ nằm sâu bên trong, cách mép sông gần 1km.

Gần 1000 giếng nước chung tình trạng trơ đáy. Gần 1000 giếng nước chung tình trạng trơ đáy.

Không nên ồ ạt khoan giếng 

Ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ cho biết: ngay sau khi có hiện tượng giếng bị mất nước, chính quyền địa phương đã tổng hợp và báo cáo với huyện. Ngày 13/2, Đoàn công tác của UBND huyện Yên Định và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa về kiểm tra.

Qua khảo sát, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đánh giá, nguyên nhân mực nước ngầm tại xã Yên Thọ bị tụt, là do mực nước sông Mã xuống thấp. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát địa chất cho thấy, do toàn bộ diện tích của xã Yên Thọ nằm trên bãi bồi, phía dưới là một tầng cát dày từ 23 đến 25m, khả năng giữ nước ngầm của tầng cát này rất hạn chế. Khi nước sông xuống thấp, sẽ khiến cho nước ngầm rút với tốc độ nhanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến những biện pháp tạo nguồn nước từ phía bề mặt không phát huy hiệu quả. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát dọc theo con sông Mã đoạn qua xã Yên Thọ xảy ra trong nhiều năm cũng là nguyên nhân khiến lòng sông bị tụt sâu.

Trước tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo, người dân nên hạn chế khoan thêm các giếng ngầm. Việc người dân tiếp tục khoan nhiều giếng ngầm như hiện nay, khiến mật độ các giếng khoan dày đặc trong một khu vực hẹp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền địa chất, chất lượng nguồn nước. Thậm chí nguy cơ xảy ra tình trạng sụt lún về sau, nhất là trong mùa mưa bão.

Trao đổi giải pháp ứng phó trước thực tế này, ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: Trước mắt, huyện tuyên truyền vận động bà con trong vùng bị cạn nước chia sẻ với nhau những giếng khoan còn sử dụng được. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và UBND xã Yên Thọ mở cống dẫn nước từ kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã vào kênh nội đồng, để bù vào nguồn nước ngầm đã mất.

“Còn về giải pháp lâu dài, Yên Thọ cần phải được đầu tư một hệ thống xử lý nước sạch cho người dân”, Chủ tịch huyện Yên Định cho biết thêm.

 Hiện toàn xã Yên Thọ có 6/7 thôn đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trong đó, có 922 trên tổng số 1.700 hộ dân, với 4.000 nhân khẩu đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt hoặc sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn. 

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!