Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo ở Con Cuông

An Yên - 16:52, 20/08/2024

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn chính là những trăn trở lớn của cả hệ thống chính trị huyện Con Cuông. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều nội dung hỗ trợ từ các chương trình, dự án; nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) đang được triển khai, tạo thêm “đòn bẩy” để hiện thực mục tiêu giảm nghèo mỗi năm 3% trong đồng bào DTTS.

Người dân đang tích cực tạo ra nhiều sản phẩm từ nghề mây tre đan để có thêm thu nhập thoát nghèo bền vững
Người dân đang tích cực tạo ra nhiều sản phẩm từ nghề mây tre đan để có thêm thu nhập thoát nghèo bền vững

Thêm nguồn lực từ sinh kế

Trong việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, các địa phương đã tổ chức rà soát đối tượng không có đất sản xuất để thực hiện chính sách hỗ trợ cho bà con. Từ năm 2022 đến nay, đã có gần 500 hộ dân trên địa bàn Con Cuông được hỗ trợ chuyển đổi nghề, với số tiền 4,780 tỷ đồng. Những hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề đã dùng kinh phí hỗ trợ để học nghề, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm phát triển sản xuất để tạo ra thu nhập cho bản thân.

Từ tiềm năng, lợi thế của một huyện miền núi trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp; những năm gần đây, nhiều hộ dân đã được hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng, rừng tự nhiên… góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. 

Chỉ tính từ năm 2022 đến năm 2024, tổng kinh phí được giao để thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, là 167,152 tỷ đồng. Số tiền này đã được hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phòng hộ trong hai năm 2022 và 2023. Sang năm 2024, từ nguồn vốn 14,211 tỷ đồng, huyện đã thực hiện khoán bảo vệ rừng phòng hộ 6.000ha; khoán bảo vệ rừng tự nhiên 1.028,51ha; bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên, với 25.251,19ha và trợ cấp gạo bảo vệ rừng.

Diện tích cây dược liệu ở Con Cuông không ngừng tăng lên
Diện tích cây dược liệu ở Con Cuông không ngừng tăng lên (Trong ảnh: Người lao động chăm sóc vườn ươm giống cây dược liệu)

Song song là việc triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN thông qua Tiểu dự án 2, Dự án 3 như thêm có "đất sống". Theo đó, tổng nguồn vốn năm 2022 và 2023 là hơn 12,3 tỷ đồng, đã được triển khai thực hiện tại 9 xã khu vực III và 1 bản đặc biệt khó khăn (bản Trung Chính, xã Yên Khê), với 600 hộ được hỗ trợ tương ứng 600 con vật nuôi (trâu: 213 con; bò Laisind sinh sản: 387 con). 

Riêng nguồn vốn năm 2024,  là 7,464 tỷ đồng, đang triển khai thực hiện dự án phát triển sản xuất cộng đồng và dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo đó, huyện Con Cuông đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất để nâng cao hiệu quả. Con Cuông đang phấn đấu đến năm 2025, sẽ chuyển đổi 59,7ha lúa nước sang cây trồng khác; chuyển đổi 241,5ha trồng màu kém hiệu quả sang cây dược liệu, cây công nghiệp, cây ăn quả và cây trồng khác. 

Cùng với đó, huyện tập trung áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất xanh, bền vững; nỗ lực xây dựng từ 3-5 mô hình nông nghiệp sinh thái, gắn với sản phẩm du lịch và sản phẩm đặc trưng của huyện.

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao cho hay: Tất cả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện bài bản, nghiêm túc, quyết liệt để tăng hiệu quả trên diện tích sản xuất. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng là hướng đi trong công tác xóa đói, giảm nghèo mà huyện đang thực hiện.

Phát triển trồng rừng keo gỗ lớn ở Con Cuông đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả
Phát triển trồng rừng keo gỗ lớn ở Con Cuông đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả

Phát triển kinh tế gắn với du lịch

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Con Cuông là 16,88% với 3.092 hộ. Mục tiêu được huyện đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 3% trong vùng đồng bào DTTS. Do vậy, từ thực tế của vùng đất, Con Cuông đã xác định kinh tế xanh, từ phát triển rừng và du lịch sẽ là đòn bẩy chủ đạo để người dân có cơ hội thoát nghèo.

Hiện nay, tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp của Con Cuông là hơn 164.600ha. Theo đó, huyện đang tập trung tái cấu trúc toàn diện ngành lâm nghiệp, bằng việc vận động người dân trồng thử nghiệm những loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng; hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu…bước đầu đang cho kết quả khả quan.

Lấy dẫn chứng từ vợ chồng anh Nguyễn Đình Hải ở bản Tổng Sán, xã Thạch Ngàn. Từ việc tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền trong chuyển đổi cơ cấu cây rừng, gia đình anh đã nhận 20ha đất rừng để tổ chức trồng cây keo kết hợp chăn nuôi và phát triển nông nghiệp. Nhiều khoảng keo trên diện tích này được gia đình anh thu hoạch cuốn chiếu, tính ra mỗi ha từ 60-80 triệu đồng. Từ nguồn thu ổn định bởi rừng nguyên liệu keo, gia đình anh đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các đồ dùng trong nhà và đầu tư cho con cái học hành…

Con Cuông luôn chú trọng xác định những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo mọi thuận lợi để người dân thoát nghèo (Trong ảnh: Người dân xã Chi Khê thu hoạch keo nguyên liệu)
Con Cuông luôn chú trọng xác định những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo mọi thuận lợi để người dân thoát nghèo (Trong ảnh: Người dân xã Chi Khê thu hoạch keo nguyên liệu)

Bằng rất nhiều nỗ lực, diện tích rừng ở Con Cuông đang đứng đầu cả tỉnh về độ che phủ với gần 85%. Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao nói: Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác khoán, khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng; tập trung phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mang bản sắc văn hóa bản địa.

Điều đáng quan tâm, trong nỗ lực tái cơ cấu lại nông, lâm nghiệp; huyện Con Cuông đã xác định gắn chặt chẽ với du lịch và phục vụ du lịch. Những cánh rừng được tái cơ cấu, dự báo cho nguồn thu nhập có thể làm giàu từ hướng đi cho du lịch sinh thái trải nghiệm, bên cạnh du lịch cộng đồng và du lịch canh nông. Đó còn là những cánh rừng nguyên sinh của đại ngàn Pù Mát, cùng những cánh rừng tre, mét… được tận dụng cảnh quan và nguyên liệu phục vụ cho phát triển du lịch. 

Bên cạnh đó, sản phẩm từ rừng, dưới tán rừng như dược liệu, chè, rễ hương… được chế biến thành các sản phẩm đặc trưng; kết hợp cùng sản phẩm từ nông nghiệp như cam, bưởi, rượu men lá…đang được nâng tầm OCOP, sẽ làm đa dạng và phong phú thêm cho ngành du lịch vốn đang được xác định là mũi nhọn...

Có thể nói, triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Con Cuông đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi mô hình cây trồng; tổ chức lại hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả hơn, bền vững hơn để phát triển kinh tế bằng việc nâng cao giá trị từ nông, lâm nghiệp.

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.