Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Hết thời của hậu duệ

Phạm Việt Thắng - 15:51, 25/03/2021

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc rút lại quyết định bổ nhiệm con gái của Bí thư tỉnh này làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư. Theo đó, bà Trần Thị Huyền Trang (31 tuổi), con gái của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan liên tiếp được thăng tiến một cách khó hiểu. Khi dư luận lên tiếng thì người có trách nhiệm của tỉnh này không những không tiếp thu mà còn cho rằng, việc bổ nhiệm là đúng quy trình, quy định…

Trước đó, ông Nguyễn Nhân Chính con trai Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh cũng được chỉ định chức vụ Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, làm dư luận dậy sóng. Và ngay sau đó, ông này cũng được “thôi chức” về làm Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bắc Ninh.

Tương tự còn nhiều trường hợp khác là con cái các vị lãnh đạo một số địa phương cũng được cất nhắc một cách thần tốc, khó hiểu. Đó là chưa kể những bóng hồng, người đẹp được “nâng đỡ không trong sáng” một bước lên quan. 

Thực ra không phải cứ con cháu lãnh đạo là kém cỏi, thiếu năng lực và cứ nhất quyết được hưởng quyền “nối dây”. Đã có không ít cán bộ trẻ là con cháu các vị lãnh đạo có năng lực, trình độ và họ được bổ nhiệm một cách đường đường chính chính, thể hiện tốt năng lực vượt trội, được cán bộ và Nhân dân tin yêu. Nhưng, cũng không ít trường hợp được “cha mẹ đặt đâu ngồi đó”, những “em chã” ấy thiếu năng lực, bản lĩnh nhưng lại thừa hống hách, trác táng.

Những hậu duệ này được cất nhắc, đề bạt ngồi vào các vị trí  không xứng tâm, xứng tầm, không chỉ làm cho công việc cơ quan phế trệ, mà còn làm cho nhiều cán bộ trẻ có trình độ, năng lực nhụt chí phấn đấu, vì có cố “phấn đấu cũng không bằng được cha cơ cấu”. Và khi cán bộ trẻ nhụt chí phấn đấu thì chẳng những họ không còn hết mình cống hiến, đóng góp mà đơn vị, địa phương, quốc gia cũng thiếu đi những cán bộ có thực tâm, thực tài - một nguồn lực vô cùng quý giá. Vậy tại sao vẫn cứ có nhiều lãnh đạo cố tình “đặt chỗ” cho con? Vì họ tự cho mình quyền lực tối thượng, đứng trên cả quy định, bất chấp dư luận. Vì họ đề cao lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình trên cả lợi ích chung. Chính vì thế mà họ tự cho mình quyền được ở ngoài “cái lồng nhốt quyền lực”. 

Những trường hợp bổ nhiệm người thân thần tốc vừa qua cho thấy có dấu hiệu của sự thao túng quyền lực đến nỗi tập thể lãnh đạo không một ai dám phản đối, thậm chí còn ủng hộ. Mà không loại trừ những người ủng hộ ấy cũng đang muốn tạo ra tiền lệ để chiếu cố cho hậu duệ của chính mình. Tính chiến đấu, nguyên tắc tập trung dân chủ trong những trường hợp cụ thể này, gần như bị triệt tiêu. Bác Hồ từng nói: “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một nguy cơ thất bại”. Người cũng đã nghiêm khắc phê phán căn bệnh: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết… Ham dùng kẻ khéo nịnh hót, mà chán ghét người chính trực…”. Thật vậy, nguy cơ thất bại ngay trước mắt là, không có được người tài năng tận tâm vì công việc; giảm lòng tin của cán bộ, Nhân dân.

Theo chúng tôi, để chấm dứt tình trạng “nối dây” trong công tác cán bộ, thì việc huỷ quyết định bổ nhiệm, cho thôi chức những con, em, cháu chắt…là chưa đủ. Mà phải mạnh tay xử lí những cán bộ là cha là mẹ đã bất chấp quy định, phớt lờ nguyên tắc, cố tình “xây ghế” con con cháu và cả những người đồng loã với họ nữa. Đó cũng là một trong những chiếc song vững chắc để làm nên “cái lồng nhốt quyền lực”!


Tin cùng chuyên mục
Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 20/9, có những thông tin đáng chú ý sau: Nhân lên tình người vượt mưa lũ. Phát triển du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm. Già làng Alăng Đàn làm cầu treo cho dân. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.