Để trở thành công chức của Ban Tổ chức Trung ương, ứng viên không phải thi tuyển công chức nhưng họ phải đạt những điều kiện không hề dễ. Cụ thể, ứng viên phải đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh (từ giải ba), cấp quốc gia (từ giải khuyến khích) hoặc bằng khen trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế; đoạt giải ba trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế, giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian đại học.
Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều địa phương, bộ ngành đã từng bước thử nghiệm việc tuyển chọn người tài vào bộ máy. Ví dụ như ở Đà Nẵng, ngay từ năm 1999 - 2000, thành phố đã chú trọng đào tạo cán bộ trẻ, nhằm tạo nguồn lãnh đạo, quản lý, chuyên gia khoa học cho hệ thống chính trị.
Tại Hà Nội, hằng năm thành phố đều tổ chức lễ vinh danh các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học trên địa bàn đồng thời “trải thảm đỏ” mời những người tài này về với khu vực công của thành phố. Tháng 7/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã chiêu mộ sinh viên xuất sắc vào 15 vị trí để làm việc cho cơ quan này.
Rõ ràng, ý thức công tác cán bộ là khâu “chốt của then chốt” rất được đề cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hút người tài vào cơ quan hành chính Nhà nước không khó, cái khó chính là để họ thực sự gắn bó, phát huy được tài năng để cống hiến, dốc sức cho cơ quan đã tuyển dụng họ.