Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hẹn nhau bên dòng sông Gâm

Thuý Hồng - 19:06, 14/09/2022

Chợ tình Phong Lưu ở thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) nằm trên một con phố giữa trung tâm thị trấn với một bên có dãy nhà nhỏ dựa vào vách núi, một bên là dòng sông Gâm uốn lượn hiền hòa. Chợ đã có từ xa xưa, mỗi năm chỉ họp 2 lần vào ngày 30/3 và 15/8 (âm lịch). Người dân đến chợ không chỉ để mua bán, mà chợ còn là nơi để các chàng trai, cô gái trao gửi niềm thương, nỗi nhớ, tín vật tình yêu; để đồng bào cùng nhau thưởng thức chén rượu ngô, men lá thơm nồng, trao nhau những khúc hát ân tình say đắm…

Những chàng chai cô gái Lô Lô ngồi trò chuyện, hát giao duyên
Những chàng chai cô gái Lô Lô ngồi trò chuyện, hát giao duyên

Vào những ngày có phiên chợ, ngay từ tờ mờ sáng, bà con ở các bản làng xa xôi từ khắp các ngả đường đã náo nức kéo về. Các chàng trai, cô gái tụ hội từng nhóm theo từng dân tộc, khoác trên mình những bộ xiêm y rực rỡ sắc màu, leng keng vòng bạc, xúc xắc… Những cô gái Mông má đỏ hây hây như cánh đào phai trong nắng sớm. 

Những cô gái Dao tươi tắn trong trang phục đen phối đỏ nổi bật, ngực đeo chuỗi bông đỏ, đầu đội khăn hoa văn tinh xảo làm khuôn mặt bừng sáng, mỗi bước chân vang lên tiếng nhạc reo từ bộ trang sức nhiều vòng bạc chạm khắc cầu kỳ.

 Con gái Lô Lô nhỏ nhắn, mảnh mai, đầu quấn khăn đính hạt cườm, cánh tay áo thêu bảy màu, như nàng tiên mang sắc cầu vồng. Còn các cô gái Sán Chỉ đằm thắm, với tà áo chàm dài viền đỏ. Các chị em Tày, Nùng thẹn thùng, e ấp trong bộ trang phục sắc chàm truyền thống…

Cô gái Sán Chỉ Tẩn Thị Liên, xã Thượng Hà trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ, cổ đeo vòng bạc, đầu vấn tóc gọn gàng nở nụ cười tươi tắn: Nhà mình ở cách xa thị trấn nên phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị trang phục để kịp xuống chợ. Xuống chợ được gặp lại bạn bè, người thân vui lắm.

Các cô gái đều diện những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu
Chuẩn bị xuống chợ

Vào ngày áp phiên chợ, các chàng trai, cô gái thường đến chợ để chơi, tìm bạn chứ không bận tâm tính toán bán mua. Với thanh niên nam nữ, chợ chính là không gian tâm tình, là nơi để họ tìm hiểu, thể hiện, để trao gửi những tâm sự, những lời yêu thương, hò hẹn. Có những đôi đã nên vợ nên chồng từ phiên chợ Phong lưu.

Trong phiên chợ đông đúc có cả những gương mặt đã ở tuổi xế chiều. Họ đến dự chợ phiên chỉ mong gặp lại người xưa, để hỏi nhau về cuộc sống hiện tại, cùng nhau uống chén rượu sau những mùa nương rẫy nhọc nhằn. Họ đốt lửa tâm sự, nhảy múa, uống rượu rồi hát suốt đêm đến sáng không biết mệt.

Theo người dân nơi đây, chợ tình có từ xa xưa, người dân địa phương gọi là “Háng toán” hoặc “Háng Phúng lìu”, người Nùng biên giới gọi là “Phúng lìu cái” tức là chợ “Phong lưu”. Phiên chợ tình đầu tiên trong năm, tổ chức vào ngày 30/3 âm lịch. Vào ngày “áp phiên”, các chàng trai, cô gái sẽ tìm nhau qua tiếng sáo vi vu, tiếng khèn du dương trầm bổng gọi bạn tình da diết, các cô gái sặc sỡ váy hoa, thẹn thùng e ấp đợi chờ... Qua câu hát giao duyên, những lời tâm tình họ sẽ trao nhau những lời hẹn ước và hẹn gặp lại nhau trong chợ tình ngày 15 tháng 8.

Thiếu nữ Sán Chỉ sửa soạn vào chợ
Thiếu nữ Sán Chỉ sửa soạn vào chợ

Điều đặc biệt trong phiên chợ tình, không thể thiếu những món  ẩm thực. Những món ẩm thực và sản vật quý hiếm, dễ dàng chinh phục bất cứ thực khách khó tính nào. Hương vị thịt treo gác bếp, thịt lợn khô, lạp sườn hun khói đậm đà, thịt chua lạ miệng, rượu ngô, ủ bằng men lá thơm nồng nàn, quyện với xôi nếp nương mềm dẻo… Sau những lời hát sli, hát lượn ngọt ngào tình tứ, tiếng khèn, tiếng sáo du dương các đôi trai gái rủ nhau thưởng thức những món ăn, nhâm nhi chén rượu ngô cay nồng.

Anh Đỗ Tuấn Anh đến từ Hà Nội hào hứng chia sẻ: Tôi đã nhiều lần đến nhiều phiên chợ tình ở Sa Pa, Mộc Châu, nhưng đây là lần đầu tiên tham gia chợ tình Phong lưu của huyện Bảo Lạc. Phiên chợ vô cùng sôi động và náo nhiệt. Ấn tượng nhất là các cô gái dân tộc ở đây có những trang phục rất đẹp, sặc sỡ rất thu hút.

Những thiếu nữ Mông tươi tắn xuống chợ
Chúng ta sẽ bắt gặp những thiếu nữ Mông với nét mặt tươi tắn, hồn nhiên ở phiên chợ

Ngày nay, dù cuộc sống phát triển, song chợ tình Phong lưu huyện Bảo Lạc vẫn giữ nguyên được những giá trị văn hóa và phong tục tập quán vô cùng độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây.

Biểu diễn khèn Mông
Các nghệ nhân tham gia biểu diễn khèn Mông phục vụ người dân và du khách đến phiên chợ

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: Chợ tình Phong Lưu là nét văn hoá đặc sắc của bà con dân tộc huyện Bảo Lạc. Chúng tôi xác định, phiên chợ cũng là một trong những môi trường để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa đặc trưng, quảng bá hình ảnh đất và người của huyện Bảo Lạc với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Các cô gái Tày duyên dáng trong sắc áo chàm
Các cô gái Tày duyên dáng trong sắc áo chàm tại phiên chợ

Dù chỉ một lần đến phiên chợ tình Phong Lưu Bảo Lạc, nhưng chắc chắn du khách sẽ có được những cảm xúc xao xuyến, thích thú khi được hoà mình vào những thanh âm réo rắt, du dương của tiếng khèn Mông, tiếng đàn tính khi trầm khi bổng của các cô gái, chàng trai hò hẹn bên dòng sông Gâm; chứng kiến sự hồn nhiên, chất phác của người dân, sự náo nhiệt rực rỡ sắc màu từ phiên chợ... 


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.