Xác định nhiệm vụ trọng tâm từ đầu nhiệm kỳ
Thông tin về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho rằng, thực hiện Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 3/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang đã triển khai công tác lập Quy hoạch rất bài bản, sâu sắc, toàn diện, khoa học và chất lượng, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển xuyên suốt trong Quy hoạch tỉnh là “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”.
“Một tâm” là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. “Hai tuyến” là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP. Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu. “Ba thành” là ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị Tp. Vị Thanh, Tp. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. “Bốn trụ” là phát triển 4 trụ cột gồm: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch (theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo). “Năm trọng tâm” là hoàn thiện thể chế, chích sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đến nay, Quy hoạch tỉnh đã thông qua Hội đồng thẩm định Trung ương, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Chủ tịch UBND tỉnh phân tích.
Thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề ra
Hậu Giang xác định phát triển công nghiệp là động lực tăng trưởng, là hướng đi chính, trọng tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, nhất là trong lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, bình quân 4,04%/năm. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được chuyển đổi, thích ứng với biến đổi khí hậu, với thị trường và phù hợp với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới có nhiều cố gắng, nửa nhiệm kỳ qua toàn tỉnh đã công nhận 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới. Đặc biệt, tổ chức triển khai có kết quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó, đời sống đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, nâng cao. Cụ thể như: Dự án Giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS; dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành đánh giá: “Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, với sự quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt kết quả ấn tượng, bứt phá sau gần 20 năm thành lập tỉnh. Năm 2022 tăng trưởng GRDP đạt 13,94%, vươn lên đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ 4 cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 14,21%, đứng đầu cả nước; thu ngân sách bình quân 1.000 tỷ đồng/năm, các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh có chuyển biến tích cực.