Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển du lịch làng Chăm An Giang

Phương Nghi - 12:47, 09/07/2023

An Giang là tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống tập trung nhiều hai bên bờ sông Châu Giang (sông Hậu Giang và sông Khánh Bình) thuộc các huyện An Phú, Châu Thành và thị xã Tân Châu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người Chăm An Giang vẫn bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào Chăm. Với những giá trị văn hóa độc đáo, các làng Chăm đang thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, nhất là khách du lịch nước ngoài. Trong đó, du lịch văn hóa Chăm thu hút sự quan tâm rất lớn của du khách.

Du khách được trải nghiệm dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm An Giang.
Du khách được trải nghiệm dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm An Giang.

Qua phà Châu Giang (Tp. Châu Đốc, tỉnh An Giang) là đến với hai làng Chăm Phú Hiệp và Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS Chăm ở xã Châu Phong đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương.

Ông Mohamad, ở ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) cho biết: Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất các mặt hàng mới, như túi xách, ba lô, nón, móc khóa…Đây là những mặt hàng được du khách ưa thích, nhất là khách nước ngoài lựa chọn mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch ghé tham quan làng nghề. Giá các sản phẩm này khá bình dân, từ 20.000 - 200.000 đồng/sản phẩm.

“Hiện nay thiết bị tiên tiến để việc sản xuất sản phẩm thổ cẩm được tiện lợi, nhanh chóng hơn. Nhưng tôi vẫn giữ lại nghề dệt truyền thống như một cách giữ gìn những giá trị văn hóa của người Chăm, dù cho sản phẩm có giá thành cao hơn so với dùng máy”, ông Mohamad nói.

Chị Trần Kim Huệ (ở TP. Hồ Chí Minh) du khách tham quan Làng dệt thổ cẩm Châu Giang của người Chăm Châu Phong chia sẻ: “Đây là một trải nghiệm du lịch đáng nhớ của tôi. Tôi chưa từng nghĩ du lịch làng nghề lại thú vị đến vậy. Không chỉ khám phá văn hoá độc đáo của người Chăm, tôi còn mua được rất nhiều sản phẩm thổ cẩm về làm quà cho gia đình và bạn bè”.

Đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm và rất thích thú tìm hiểu về đời sống, phong tục, tập quán của cộng đồng người Chăm. Theo bà Võ Thụy Ý Như, Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết: Những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong nói chung, cơ sở của ông Mohamad nói riêng đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương. Để tăng sự trải nghiệm, ông Mohamad cho phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống Chăm để du khách, đặc biệt là những cặp đôi chụp ảnh lưu niệm.

“Bên cạnh đó, trong những lần đón tiếp khách tham quan, ngoài giới thiệu sản phẩm, ông Mohamad còn còn giới thiệu về lịch sử làng nghề, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm An Giang đến với du khách. Ông còn liên kết với một số đầu bếp tại địa phương, phục vụ một số món ăn đặc trưng của người Chăm, như cà ri, tung lò mò, các loại bánh tráng miệng… khi du khách yêu cầu. Nhờ sự đổi mới, sáng tạo này đã thu hút một lượng lớn du khách đến với làng nghề”, bà Như Ý thông tin.

Ông Mohamad bày trí không gian thổ cẩm của đồng bào Chăm.
Ông Mohamad bày trí không gian thổ cẩm của đồng bào Chăm.

Làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú, tỉnh An Giang) là điểm đến của nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài, bình quân mỗi tháng có khoảng 3.000 lượt du khách. Hiện tại, làng Chăm Đa Phước có 2 bến thuyền phục vụ đưa, rước khách tham quan. Ở đây trưng bày các khung dệt thổ cẩm, có 2 điểm bán hàng lưu niệm là những sản phẩm truyền thống mang bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc.

Ở làng Chăm Đa Phước từ sau khi được hỗ trợ tham gia các mô hình du lịch cộng đồng, cuộc sống của người Chăm được nâng lên rõ rệt. Ông Ysa, người dân làng Chăm Đa Phước chia sẻ: “Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm thì nay trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng. Tương tự, các món ăn truyền thống của người Chăm An Giang như tung lò mò (lạp xưởng bò), cà ri cơm nị, bánh bò nướng (bánh “nămparăng”)… trở thành đặc sản phục vụ du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống chẳng những giúp đồng bào DTTS Chăm có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp bà con nơi đây mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Có không ít người Chăm đã vươn lên thành đạt”, ông Ysa bộc bạch.

Bên cạnh, làng bè Cồn Tiên cũng là nơi hấp dẫn du khách tham quan vùng sông nước đầu nguồn An Phú. Hiện, khoảng 25 hộ dân sống bằng nghề đưa rước khách từ TP. Châu Đốc sang làng Bè, làng Chăm Đa Phước tham quan mỗi ngày. Do nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách nên một số hộ đã kết hợp việc chăn nuôi thủy sản gắn với bán các mặt hàng truyền thống của đồng bào dân tộc và phục vụ ăn uống cho khách tham quan ngay trên bè.

Chia tay những làng Chăm, đi dọc theo sông Hậu, bâng khuâng nhớ về điệu múa uyển chuyển của các thiếu nữ Chăm mừng lễ hội và thấp thoáng âm thanh rộn ràng của trống baranưng, trống ginăng...

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.