Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hành trình về đích nông thôn mới ở một xã biên giới

Thúy Hồng - 15:52, 02/04/2021

Đội Cấn là 1 trong 4 xã biên giới của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, khi bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM), xã chưa có tiêu chí nào đạt chuẩn. Sau hơn 9 năm triển khai, xã đạt 19/19 tiêu chí, được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào đầu tháng 3/2021.

Một góc trung tâm xã Đội Cấn hôm nay
Một góc trung tâm xã Đội Cấn hôm nay

Từng bước "gỡ khó" 

Xác định xây dựng NTM phải bắt đầu từ người dân, nên ngay từ đầu xã Đội Cấn đã tập trung tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của chương trình. Cùng với đó, địa phương đã phát động mạnh mẽ nhiều phong trào thi đua rất thiết thực, hiệu quả, như: "Tích cực giúp nhau giảm nghèo, làm ăn kinh tế giỏi", "Tổ tự quản về an ninh trật tự", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Hiến đất, tài sản, ngày công để chung tay xây dựng NTM"…

Ông Vi Văn Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Đội Cấn cho biết: Năm 2011, khi xã mới bắt đầu thực hiện xây dựng NTM, chính quyền huyện, xã đã thống nhất phân loại thành 2 nhóm nhiệm vụ để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện gồm: nhóm thực hiện các tiêu chí liên quan đến nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nhóm thực hiện các tiêu chí liên quan đến người dân.

“Để tháo gỡ khó khăn, xã Đội Cấn đã xác định, cần phải triển khai thực hiện từng tiêu chí một, không ôm đồm, không chạy đua theo bệnh thành tích. Địa phương đã lựa chọn cách "gỡ khó" bằng việc chọn những tiêu chí dễ, cần ít vốn nhằm ưu tiên tập trung làm trước cho phù hợp với thực tiễn, không vượt quá sức dân và nguồn lực đầu tư hiện có”, ông Nghiệp cho biết.

Đối với các tiêu chí liên quan đến nguồn lực đầu tư của Nhà nước, UBND xã đã chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai thực hiện. Điển hình như trong năm 2020, từ nguồn vốn xây dựng NTM, xã Đội Cấn đã hoàn thành 5 công trình gồm: đường giao thông, nhà văn hoá, trường học…Còn những tiêu chí khó như: giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông, tiêu chí môi trường,…chính quyền đã huy động chính người dân vào cuộc.

Người dân xã Đội Cấn phát triển kinh tế đồi rừng.
Người dân xã Đội Cấn phát triển kinh tế đồi rừng.

Bứt phá ngoạn mục 

Sau khi được tuyên truyền, vận động, người dân ở xã Đội Cấn đã hiểu và tích cực tham gia xây dựng NTM. Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn xã là trên 48 tỷ đồng, trong đó người dân và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đóng góp gần 215 triệu đồng; còn lại là Ngân sách Nhà nước đầu tư trên 47 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người dân hiến hơn 4.000m2 đất; tham gia 4.455 ngày công lao động...

Ông Vi Trường Khiêm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Chang cho biết: Thời gian qua, người dân trong thôn đã góp công sức và tiền để thực hiện NTM, nhất là làm đường giao thông. Bên cạnh đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường bà con trong thôn đã thực hiện di dời chuồng trại chăn nuôi; xây dựng, cải tạo nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; duy trì việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm xanh, sạch đẹp.

Với những mục tiêu cụ thể và sự nỗ lực của chính quyền và người dân, xã Đội Cấn đã bứt phá về đích NTM một cách ngoạn mục. Nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 2011, mới đạt 9 triệu đồng/người/năm, thì đến cuối năm 2020 đã lên hơn 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32% vào năm 2011 xuống còn 10% vào cuối năm 2020.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.