Nhiều tiêu chí làm khó các địa phương
Theo báo cáo thống kê của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, hiện cả nước đã có 5.177 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 58,2%). Đây là một kết quả đáng khích lệ, cho thấy sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân trong những năm qua.
Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM của các vùng miền còn chênh lệch khá lớn, nhất là ở những nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống do địa hình, điều kịnh kinh tế -xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế… khiến quá trình xây dựng NTM chậm hơn các địa phương khác.
Điển hình như tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, huyện Mường Nhé vẫn chưa có xã nào “cán đích”, nhiều tiêu chí đang “làm khó” các địa phương. Bình quân các xã của huyện Mường Nhé đạt 8,1 tiêu chí/xã, xã đạt nhiều tiêu chí nhất là xã Sín Thầu đạt 17/19, xã Mường Nhé đạt 13/19 tiêu chí, 9 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí…
Khó khăn nhất là tiêu chí về giao thông, do nguồn vốn hạn hẹp, các hạng mục xây dựng của nhiều tuyến đường giao thông tại nhiều xã đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn (toàn huyện mới có 1/11 xã đạt tiêu chí số 2) về giao thông; (1/11 xã đạt tiêu chí số 9) về nhà ở dân cư; (5/11 xã đạt tiêu chí 4) về điện ... Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện vẫn ở mức rất cao, chưa có xã nào đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Điện Biên, hiện các xã đang phấn đấu "về đích" NTM trên địa bàn vẫn còn từ 1 - 4 tiêu chí chưa đạt, trong đó 100% các xã đều vướng 2 tiêu chí rất khó là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tại các xã này đạt 18 - 20 triệu đồng/người/năm nhưng theo quy định của Bộ tiêu chí NTM quốc gia, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của các xã nông thôn mới đạt 36 triệu đồng/người/năm.
Ðối với tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, để đạt chuẩn thì các xã phải đạt tỷ lệ hộ nghèo dưới 12% nhưng hiện tại hộ nghèo tại các xã đang rất cao, chiếm trên 30%. Có thể nói đây là 2 tiêu chí rất khó để các xã hoàn thiện trong năm nay.
Khó khăn trong việc xây dựng NTM tại Điện Biên là khó khăn chung của hầu hết các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng DTTS. Theo báo cáo thống kê của Văn phòng điều phối NTM Trung ương hiện nay, cả nước còn 09 tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%, có 762 xã dưới 10 tiêu chí, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; 40 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, thuộc 18 tỉnh còn “trắng xã NTM”. Kết quả đạt chuẩn NTM của các địa phương vùng ĐBKK chênh lệch lớn so với vùng miền khác của cả nước.
Cần có cách làm linh hoạt, sáng tạo
Mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn đến năm 2025 là: Các huyện nghèo cơ bản hoàn thành các tiêu chí hạ tầng thiết yếu theo quy định như: Cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, môi trường, nước sạch, y tế đạt chuẩn... Phấn đấu có ít nhất 200/1.815 xã đặc biệt khó khăn và khoảng 420 xã ATK đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 15 tiêu chí; 2.109/3.513 thôn, bản, ấp thuộc các xã ĐBKK khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM. Theo đó, trong để nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn NTM và duy trì bền vững kết quả sau khi đạt chuẩn, dự kiến nguồn vốn giai đoạn tới là 106.458,2 tỷ đồng (tăng 1,68 lần so với giai đoạn 2016-2020).
Tuy nhiên để đạt được những mục tiêu này thì các bộ, ban, ngành và các địa phương cần quan tâm đến việc triển khai xây dựng NTM tại các xã đặc biệt khó khăn với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, vùng, miền, không nên máy móc áp dụng các kinh nghiệm và mô hình ở vùng đồng bằng. Trước những khó khăn như hiện nay, nếu không có giải pháp đặc thù để đầu tư phát triển toàn diện, thì những vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi sẽ rất khó để cán đích NTM.
Đề cập giải pháp, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, cho rằng, nên thống nhất kinh phí đầu tư trong xây dựng NTM, tách bạch nguồn kinh phí dành cho xây dựng NTM với chương trình 30a. Đầu tư có trọng điểm để các xã đặc biệt khó khăn có cơ hội vươn lên cán đích NTM. Bên cạnh đó, cần bổ sung chính sách hỗ trợ đặc thù; ưu tiên nguồn lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Còn theo ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cần cần xây dựng cơ chế, chính sách tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện, đặc biệt ưu tiên cho nguồn lực cho việc bố trí sắp xếp dân cư, đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, ưu tiên nguồn lực thực hiện chương trình cho các địa phương, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… Nếu như có thể khơi thông những “điểm nghẽn” này mới có thể tạo đột phá trong xây dựng NTM ở vùng ĐBKK, DTTS và miền núi. Có như vậy, mới có thể thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập để phát triển kinh tế - xã hội so các vùng, miền của cả nước trong giai đoạn 2021 - 2025.