Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hành trình phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh: Nhiều chính sách đặc thù (Bài 1)

Mỹ Dung - 14:56, 16/08/2023

Phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi là vấn đề luôn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh quan tâm. Trong 10 năm qua, nhiều nghị quyết, chủ trương đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được tỉnh ban hành, thực hiện hiệu quả. Trong đó, việc quyết tâm, dồn lực triển khai thực các Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc trên địa bàn đã làm "thay da đổi thịt", mang lại diện mạo mới cho các thôn làng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng khó. Kết quả, năm 2022 Quảng Ninh đã trở thành địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững, sớm hơn 3 năm so với yêu cầu của Trung ương và về đích Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 15.

Tại xã vùng cao Quảng Sơn, huyện Hải Hà nhiều tuyến đường đã được đầu tư khang trang
Tại xã vùng cao Quảng Sơn, huyện Hải Hà nhiều tuyến đường đã được đầu tư khang trang

Hơn 10 năm về trước, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng yếu kém; sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún; việc tiếp cận thông tin của người dân cũng còn những hạn chế…Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều trăn trở đề ra những quyết sách phù hợp, trong đó tập trung dồn lực để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách dân tộc trên địa bàn.

“Điểm nghẽn” cản trở phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi

Quảng Ninh có 21 DTTS, chiếm trên 12% dân số của tỉnh, đồng bào sinh sống rải rác ở nhiều địa phương. Trước năm 2010, vùng dân DTTS và miền núi của tỉnh gồm 112 xã, phường ( có 54 xã, phường khó khăn, trong đó có 21 xã đặc biệt khó khăn và 4 xã vùng bãi ngang, ven biển); có 10 xã và 7 phường giáp biên giới.

Thời điểm ấy, mặc dù đã có sự đầu tư của Trung ương và của địa phương nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên hạ tầng chưa đồng bộ, các công trình dân sinh thì dàn trải, hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, sản xuất, chăn nuôi của bà con chủ yếu tự cung, tự cấp; thiếu sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật nên năng xuất, sản lượng thấp. Đặc biệt, việc tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế, một bộ phận đồng bào còn tư tưởng trông chờ ỉ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh.

Xã Kỳ Thượng, huyện Hoành Bồ (nay là thành phố Hạ Long) hầu hết là đồng bào DTTS sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Dao. Với địa hình đồi núi, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, lại nằm cách xa trung tâm nên trong nhiều năm, cuộc sống của người dân nơi đây gần như biệt lập, tự cung, tự cấp là chủ yếu.

Là người có nhiều năm gắn bó với Kỳ Thượng, từng giữ nhiều vị trí khác nhau, từ Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, giờ là Người có uy tín, ông Bàn Sinh Hương chia sẻ: “Trước kia cuộc sống người dân nơi đây chông chênh lắm. Với lối canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất lao động thấp. Không những vậy, người dân còn nặng tư tưởng “cho không, biếu không”, chưa có ý chí vươn lên, thay đổi các mô hình kinh tế. Khó khăn càng thêm khó khăn!”.

Không chỉ xã Kỳ Thượng, đây cũng chính là tình trạng chung của các địa phương vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Xác định rõ những khó khăn, “điểm nghẽn” ấy, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là việc ban hành hàng loạt những chính sách đặc thù hỗ trợ vùng khó; đồng thời tăng cường truyên truyền để người dân tự ý thức vươn lên.

Người dân thôn Pạc Sủi, xã Yên Than, huyện Tiên Yên cùng chung tay đóng góp ngày công xây dựng đường liên thôn từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM
Người dân thôn Pạc Sủi, xã Yên Than, huyện Tiên Yên cùng chung tay đóng góp ngày công xây dựng đường liên thôn từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM

Từ chủ trương đúng đắn đến hành động quyết liệt

Từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 - Nghị quyết đầu tiên và chuyên biệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó lấy việc xây dựng NTM làm then chốt.

Trong công tác chỉ đạo điều hành, Quảng Ninh cũng là một trong số ít tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, trực tiếp do đồng chí Bí thư cấp uỷ làm Trưởng Ban chỉ đạo. Đây là một trong những điểm sáng tạo, thể hiện rõ nét dấu ấn của lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở trên tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Quảng Ninh cũng ban hành các tiêu chí về NTM riêng của tỉnh; phê duyệt các đề án, dự án, kế hoạch cụ thể thực hiện lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn.

Chương trình xây dựng NTM ở Quảng Ninh được triển khai đồng bộ ở 125/125 xã, 13 đơn vị cấp huyện. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn lực khi triển khai đồng loạt tại các địa phương, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách riêng để tạo hành lang pháp lý nhằm thực hiện Chương trình thông suốt, hiệu quả. Trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ nguyên vật liệu đầu tư các công trình hạ tầng; hỗ trợ vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn...

Cùng với đó, Quảng Ninh đã cụ thể hóa thực hiện Chương trình 135 bằng Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hoàn thành chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020 (gọi tắt là Đề án 196). Đây là cách làm riêng của tỉnh Quảng Ninh, khẳng định quyết tâm xóa bằng được các xã ĐBKK trên địa bàn.

Đáng chú ý, Quảng Ninh đã linh hoạt, sáng tạo trong điều hành ngân sách. Tỉnh đã ban hành các quy định phân cấp quản lý theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương; giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động xã hội hóa các nguồn lực đầu tư. Nhờ đó, giai đoạn 2010-2022, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt trên 233.600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2010-2020 là gần 173.000 tỷ đồng (bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 357,8 tỷ đồng/năm); giai đoạn 2021-2022 là trên 60.800 tỷ đồng (bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 703 tỷ đồng/năm).

Cơ sở vật chất trường lớp học vùng DTTS và miền núi được đầu tư khang trang, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Quảng Ninh
Cơ sở vật chất trường lớp học vùng DTTS và miền núi được đầu tư khang trang, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Quảng Ninh

Xã Quảng An có 73% là đồng bào DTTS, trước đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đầm Hà, nhưng nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới khang trang phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Kinh tế phát triển, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. 

Năm 2010, khi mới bắt đầu xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân Quảng An chỉ đạt 7,8 triệu đồng/người/năm, đến 2022 đã đạt 53,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 65,66 % (năm 2010) xuống còn 1% (năm 2022).

Anh Triệu Văn Sáng, Người có uy tín thôn Thìn Thủ cho biết: “Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, tại thôn nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, con em được đến trường, đời sống văn hóa tình thần, an sinh xã hội ngày càng được quan tâm”.

Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi", Quảng Ninh đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng NTM. Hàng trăm nghìn mét vuông đất đã được người dân hiến tặng để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa; hàng trăm nghìn ngày công được các lực lượng quân đội, đoàn thể, cùng Nhân dân đóng góp; hàng trăm tỷ đồng được huy động để hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa, xây mới nhà vệ sinh, tu sửa nhà văn hóa, trạm y tế...

Từ chủ trương đúng đắn đến những hành động quyết liệt, nắm bắt cơ hội, tranh thủ nguồn lực, cùng sự đoàn kết chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân vì sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi, là những gì mà tỉnh Quảng Ninh đã làm để vùng DTTS và miền núi không bị tụt hậu, để đồng bào các DTTS “không bị bỏ lại phía sau”.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.