Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hàng loạt dấu hiệu sai phạm của Công ty Cổ phần Toàn Phát (Lạng Sơn): Xử phạt hơn 343 triệu đồng, nhưng vẫn chưa hết sai phạm! (Bài 3)

Nghĩa Hiệp - Thiên An - 15:15, 23/11/2021

Sau 2 bài viết: Lập lờ giữa than xít và đất đen (ngày 10/11) và “Lách luật” để sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường (ngày 12/11), đăng tải trên báo Dân tộc và Phát triển, chỉ ra các dấu hiệu sai phạm của Công ty Cổ phần Toàn Phát (Công ty Toàn Phát) tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Vừa qua, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Toàn Phát. Tuy nhiên, Công ty này vẫn còn sai phạm khác chưa được cơ quan chức năng, chính quyền đề cập, cần phải được xem xét xử lý dứt điểm.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Lạng Sơn đối với những vi phạm của Công ty Cổ phần Toàn Phát
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Lạng Sơn đối với những vi phạm của Công ty Cổ phần Toàn Phát

Sự xử lý kịp thời của tỉnh Lạng Sơn

Căn cứ theo Biên bản của Đoàn kiểm tra, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn và theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn, vừa qua, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký Quyết định xử phạt đối với những sai phạm về bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần Toàn Phát.

Theo Quyết định số: 157/QĐ-XPVPHC, ngày 15/11/2021 về viêc Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Toàn Phát, do Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu ký, nêu rõ: Công ty đã thải khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về khí thải từ 3 lần trở lên. Cụ thể: Lưu lượng khí thải đo thực tế tại điểm xả thải ống khói lò vòng là 18.760 m3/giờ có các thông số SO2 vượt 19,61 lần; CO vượt 4,685 lần theo QCVN 19:2019/BTNMT, cột B quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019.

Mức xử phạt 240 triệu đồng, được áp dụng tại khoản 1 Điều 5 và điểm đ khoản 5 Điều 15 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ; phạt tăng thêm 40% tương đương 96 triệu đồng đối với thông số CO vượt 4,685 lần, áp dụng quy định tại khoản 6 Điều 15 và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ, được sửa đổi bổ xung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ.

Đồng thời, buộc Công ty Cổ phần Toàn Phát thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định. Buộc rà soát, cải tạo công trình xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định. Chi trả kinh phí trưng cầu, giám định 2 mẫu khí thải với số tiền 7.116.864 triệu đồng. Tổng mức xử phạt đối với Công ty Cổ phần Toàn Phát là hơn 343 triệu đồng, nộp về Kho bạc Nhà nước tỉnh Lạng Sơn.

Bên cạnh việc xử phạt hành chính, theo Biên bản làm việc của Đoàn kiểm tra, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn, yêu cầu Công ty Cổ phần Toàn Phát không được sử dụng số lượng hơn 1.468 m3 than xít được lấy từ Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2. Yêu cầu Công ty Cổ phần Toàn Phát hoàn trả toàn bộ số đất, đá lẫn than về lại vị trí đã lấy. Cho phép Công ty Cổ phần Toàn Phát sử dụng 556,98m3 than được lấy từ mỏ than Bố Hạ (Bắc Giang) và mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh).

Anh Lý Văn Bách, dân tộc Tày, “ngỡ ngàng” khi thấy chữ ký của mình trong danh sách được nhận tiền
Anh Lý Văn Bách, dân tộc Tày, “ngỡ ngàng” khi thấy chữ ký của mình trong danh sách được nhận tiền

Chưa hết sai phạm

Tuy nhiên, trong quá trình xác minh điều tra, phóng viên báo Dân tộc và Phát triển còn phát hiện sai phạm khác của tại Công ty Cổ phần Toàn Phát. Cụ thể, trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Toàn Phát còn lợi dụng chính sách vay tiền, nhưng không hỗ trợ, chi trả cho người lao động.

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, người SDLĐ được vay tiền để hỗ trợ trả lương cho NLĐ dựa trên mức lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng, mức lãi suất 0% và thời gian vay tối đa là 12 tháng tại Ngân hàng CSXH.

Để hoàn tất hồ sơ vay, cần có biên bản thỏa thuận giữa người SDLĐ và NLĐ, chữ ký của NLĐ trong hồ sơ vay do doanh nghiệp đứng tên với ngân hàng. Tại Công ty Cổ phần Toàn Phát có 18 công nhân nằm trong danh sách vay tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, dù không ký bất kỳ giấy tờ nào, cũng không ký nhận tiền, nhưng 7/18 công nhân Công ty Cổ phần Toàn Phát vẫn có trong danh sách nhận tiền mà không hề hay biết mình đã ký hồ sơ với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lộc Bình. Và đến nay, họ cũng chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ.

Ngày 20/10, phóng viên báo Dân tộc và Phát triển có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Mai Sao, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Lộc Bình. Bà Mai Sao cho biết: “Đây là khoản vay phải trả, Công ty là đơn vị đứng ra vay và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và sử dụng tiền. Danh sách vay được chúng tôi đối chiếu với danh sách đóng BHXH của công nhân tại BHXH huyện Lộc Bình. Nên danh sách vay khẳng định chính xác là 18 người. Còn việc giả chữ ký có thể là ngay từ đầu công ty đã tự làm”.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Toàn Phát thừa nhận, có tự ký thay cho 7 công nhân. “Nhưng tôi đã phát tiền đầy đủ. Còn nếu phóng viên nói tôi sai, tôi nhận, ngay lập tức mai tôi ra Ngân hàng trả lại ngay. Vì có hơn 160 triệu gì đó thôi, so với Công ty tôi không đáng kể. Hơn nữa, tôi là doanh nghiệp lớn ở huyện Lộc Bình, nên huyện và Ngân hàng cũng nhờ, còn quay cả chương trình truyền hình về thực hiện vay tiền hỗ trợ, giúp doanh nghiệp trong dịch Covid-19”, vị Giám đốc này biện minh.

Dù đã khẳng định phát hết tiền cho đúng người, nhưng khi được hỏi đến, các công nhân vẫn “ngơ ngác” vì bản thân chưa nhận được tiền, mà lại có chữ ký trong danh sách bảng kê phát tiền của Công ty.

Ngày 14/10, trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, anh Nguyễn Viết Thuận (SN 1973), là công nhân của Nhà máy gạch TUYEL Na Dương thuộc Công ty (người có tên trong danh sách ký vay và nhận tiền) cho biết, anh nghỉ việc từ đợt 30/4/2021. Anh Thuận khẳng định, anh không ký và nhận để vay bất kỳ khoản tiền nào của ngân hàng và của Công ty Cổ phần Toàn Phát. Anh Thuận mong cơ quan chức năng làm rõ sự việc giả mạo chữ ký của anh để vay tiền trái với quy định của pháp luật.

Cũng giống anh Thuận, khi nhìn vào danh sách phát tiền có chữ ký của công nhân, kế toán, chữ ký ông Hoàng Tuấn và dấu đỏ tròn của Công ty, anh Lý Văn Bách, dân tộc Tày, là công nhân Công ty cho biết: “Tôi đã nghỉ việc từ tháng 4, có thấy Công ty gọi lên ký giấy tờ vay tiền, nhưng tôi không có nhu cầu, nên không ký gì cả. Chữ ký này không phải của tôi”. Để khẳng định với phóng viên, anh Bách cũng ký luôn vào bên cạnh chữ ký tên mình trong danh sách trên và chúng tôi thấy có sự khác nhau rõ rệt.

Anh Lý Văn Bách ký lại chữ ký của mình bên cạnh chữ ký trong danh sách của Công ty, chứng minh sự khác nhau giữa 2 chữ ký
Anh Lý Văn Bách ký lại chữ ký của mình bên cạnh chữ ký trong danh sách của Công ty, chứng minh sự khác nhau giữa 2 chữ ký

Ngay sau khi buổi làm việc với chúng tôi kết thúc, anh Lý Văn Bách đã liên hệ lại với chúng tôi và thông tin về việc Công ty Cổ phần Toàn Phát “vừa” gọi anh lên nhận tiền, nhưng anh đã từ chối. Vậy những khẳng định của ông Tuấn với phóng viên “ông tự giả mạo chữ ký” là có thật; còn việc ông nói “...Nhưng tôi đã phát tiền đầy đủ...", rõ ràng là không có thật.

Sự việc này cho thấy, Công ty Cổ phần Toàn Phát, cụ thể là ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty đã làm trái Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, không giải quyết đầy đủ tiền lương cho lao động; vi phạm pháp luật khi làm giả hồ sơ trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước!

Trước sự việc này, báo Dân tộc và Phát triển kính đề nghị Công an huyện Lộc Bình, Công an tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc, xem xét, xử lý theo quy định, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là các lao động người dân tộc thiểu số.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi sự việc và thông tin đến bạn đọc...!

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.