Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hàng loạt dấu hiệu sai phạm của Công ty Cổ phần Toàn Phát (Lạng Sơn): "Lách luật" để sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường - Bài 2

Nghĩa Hiệp - Thiên An - 11:50, 12/11/2021

Giai đoạn năm 2012 - 2014, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công (lò vòng). Lộ trình đặt ra đến hết năm 2015, cơ bản trên địa bàn tỉnh sẽ không còn các lò gạch thủ công hoạt động. Nhưng đến tháng 4/2016 lò gạch thủ công dưới mác “cải tiến” của Nhà máy gạch TUYEL Na Dương vẫn được UBND huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cấp phép. Mặc dù, liên quan đến phản ánh của người dân, rất nhiều lần đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Lộc Bình vào làm việc, nhưng bằng nhiều cách "lách luật" của Công ty nên lò gạch này vẫn tồn tại.

Nhà máy gạch TUYEL Na Dương sử dụng lò gạch thủ công nhiều năm sau khi bị cấm
Nhà máy gạch TUYEL Na Dương sử dụng lò gạch thủ công nhiều năm sau khi bị cấm

Chính quyền có "làm ngơ" cho doanh nghiệp?

Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, UBND tỉnh Lạng Sơn và các huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, trong đó có Công văn số 715/UBND-KTN ngày 23/7/2014, của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc, xóa bỏ lò thủ công, lò thủ công cải tiến tại địa bàn quản lý.

 Đồng thời, không cho phép đầu tư xây dựng mới cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Theo lộ trình và mục tiêu phát triển vật liệu xây dựng không nung của tỉnh, thì đến hết năm 2015, cơ bản trên địa bàn tỉnh sẽ không còn các lò gạch đất sét nung thủ công.

Dù đã bị bắt buộc dừng hoạt động từ năm 2015, nhưng hiện Nhà máy gạch TUYEL Na Dương vẫn đang sử dụng lò vòng thủ công. Đáng nói, lò này là dự án công trình được UBND huyện Lộc Bình cấp phép cho Công ty cổ phần Toàn Phát xây dựng vào tháng 4/2016, sau thời điểm UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các huyện trên địa bàn chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công.

Theo Hồ sơ cấp phép là Giấy phép số 08/GPXD ngày 7/4/2016 do ông Hoàng Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình ký (ông Vinh hiện đang nghỉ chế độ - PV). Cho phép Công ty cổ phần Toàn Phát xây dựng “Dự án cải tiến kỹ thuật và nâng cao công suất Nhà máy gạch TUYEL Na Dương” theo thiết kế ký hiệu KT-01; KT-02; KT-03; KT-04; KT-05, do Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Ngọc Linh lập tháng 3/2016.

Theo lời ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty: “Tôi trình xin huyện là xin trên hồ sơ cấp phép, thực tế có cải tiến một tí. Ví dụ đáng nhẽ xây 1 tầng, thì tôi xây thành 1,5 tầng. Về cơ bản vẫn là lò thủ công. Nhưng huyện cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vì tôi đã tạo việc làm cho hơn 100 lao động trên địa bàn”.

Giấy phép xây dựng được UBND huyện Lộc Bình cấp phép cho Công ty CP Toàn Phát
Giấy phép xây dựng được UBND huyện Lộc Bình cấp phép cho Công ty CP Toàn Phát

Liên tục kiểm tra để “tạo điều kiện”

Tại buổi làm việc chiều ngày 19/10/2021, phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã đặt vấn đề với UBND huyện Lộc Bình về quy trình xin cấp phép của Nhà máy gạch TUYEL Na Dương của Công ty Cổ phần Toàn Phát, các quy trình kiểm tra, cùng biên bản kiểm tra kể từ khi lò gạch được cấp phép đi vào hoạt động.

Đại diện UBND huyện Lộc Bình, ông Triệu Thanh Hùng, Phó Chánh văn phòng UBND huyện cho biết: “Hiện đã cho các phòng ban chuẩn bị nội dung mà báo Dân tộc và Phát triển tìm hiểu, tuy nhiên chắc phải đến cuối tháng mới tập hợp đủ. Chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản khi có đủ hồ sơ”. 

Cũng có nghĩa, UBND huyện Lộc Bình cần đến hơn 10 ngày làm việc mới có thể cung cấp hồ sơ liên quan đến quy trình cấp phép và các biên bản kiểm tra hàng năm của UBND huyện đối với Nhà máy gạch TUYEL Na Dương (!).

Tưởng chừng như hồ sơ nhiều, đã lâu không kiểm tra, mới để xảy ra sai phạm trong việc để lò thủ công hoạt động trong thời gian dài, gây ảnh hưởng môi trường, cuộc sống của người dân nhưng trái lại, theo ông Hoàng Tuấn thì: “Huyện thường xuyên kiểm tra, có năm mấy đoàn vào kiểm tra”. 

Nhưng kiểm tra xong thì đâu lại vào đấy, bởi ông Tuấn luôn có cách “lách luật".  “Thì cứ kể khổ, rồi quà cáp, là lại hoạt động bình thường thôi”, ông Tuấn nói.

Ông Hoàng Tuấn còn khẳng định, có sự kiểm tra liên tục và có mối quan hệ thân thiết với Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế Hạ tầng bằng cách bốc máy gọi điện, mở loa ngoài cho phóng viên nghe. Tuy nhiên, cả 2 cuộc gọi của ông Tuấn đều không có ai nghe máy.

Theo Văn bản số 2259/UBND-TNMT, ngày 1/11/2021 của UBND huyện Lộc Bình trả lời  báo Dân tộc và Phát triển có nội dung: “Ngày 12/8/2021, UBND huyện Lộc Bình đã ban hành Quyết định số 3823/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về lĩnh vực môi trường của Công ty Cổ phần Toàn Phát đối với việc hoạt động của nhà máy gạch đất sét Tuynel tại thôn Sơn Hà, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình”. Tuy nhiên, do Đoàn kiểm tra được thành lập cùng thời điểm với việc Công ty đang được Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, nên UBND huyện Lộc Bình không tiến hành kiểm tra nữa (Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra) và lấy căn cứ trên kết quả xử lý của Đoàn kiểm tra do Phòng Cảnh sát Môi trường làm việc.

Nhưng theo kết quả kiểm tra của Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Lạng Sơn do Thượng tá Hoàng Hiệp Dũng làm Trưởng đoàn, tại thời điểm Đoàn kiểm tra ngày 26/8/2021, lò gạch tại nhà máy hoạt động bình thường. Đáng lưu ý là: “Dây chuyền sản xuất bằng công nghệ lò vòng, đang hoạt động tại giai đoạn nung gạch (chủ dự án chưa cung cấp được hồ sơ pháp lý về quy mô, công xuất, dây chuyền, thủ tục pháp lý bảo vệ môi trường). Dây chuyền được cải tiến từ: Dự án cải tiến kỹ thuật và nâng cao công xuất dây chuyền sản xuất gạch Tuynel Na Dương (có Giấy phép xây dựng số 08/GPXD ngày 7/4/2016 của UBND huyện Lộc Bình).

Điều này đồng nghĩa việc ngay từ khi tiến hành xây dựng “Dự án cải tiến kỹ thuật và nâng cao công xuất dây chuyền sản xuất gạch Tuynel Na Dương”, Công ty Cổ phần Toàn Phát đã làm “lò vòng” (loại lò bị cấm) và việc “làm ngơ” của UBND huyện Lộc Bình trong sai phạm của Công ty này, theo như lời ông Tuấn nói, là hoàn toàn có căn cứ. Bởi sai phạm đã hiện ra rõ, nhưng suốt quá trình từ cuối năm 2016 đến tháng 8/2021, UBND huyện Lộc Bình vẫn chưa 1 lần kiểm tra, xử phạt sai phạm.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.