Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hàm Yên (Tuyên Quang): Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Hà Phúc - 17:15, 13/12/2024

Liên kết phát triển nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đang là điểm mạnh của kinh tế tập thể. Tại huyện Hàm Yên, tham gia vào chuỗi liên kết với hợp tác xã, nhiều nông dân bứt phá, làm giàu, góp sức xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của địa phương.

Ông Bàn Văn Dương (bên phải) Giám đốc HTX Chè Tân Thái 168 giới thiệu giống chè Long Vân.
Ông Bàn Văn Dương (bên phải) Giám đốc HTX Chè Tân Thái 168 giới thiệu giống chè Long Vân

Huyện Hàm Yên đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 02/02/2024 phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và xác định đó là một trong các giải pháp để thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Hàm Yên đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện, trong đó tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý và điều hành HTX; tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật HTX và các chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp hiện hành; nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và quản trị HTX đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp.

Điển hình như Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 tại thôn 5, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên. Vượt qua nhiều khó khăn, HTX này đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và đưa nhiều sản phẩm chè búp Tân Thành vào các cửa hàng tiện lợi, gian hàng giới thiệu sản phẩm và nhiều siêu thị trên cả nước. Từ năm 2017, sản phẩm chè của Hợp tác xã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và dán tem truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, Hợp tác xã cung cấp 8 sản phẩm chè xanh OCOP 3 sao.

Hiện nay, Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 có 30 thành viên với trên 16ha chè. Mỗi năm, các thành viên trong Tổ sử dụng trên 40 tấn phân bón, chế phẩm sinh học. Các thành viên cần hỗ trợ về phân bón đều được Hợp tác xã hỗ trợ cung ứng đầy đủ theo hình thức “trả chậm bằng sản phẩm” không lấy lãi. Đây là một trong những động lực giúp bà con gắn bó và chăm chút cho cây chè.

Ngoài ra, Hợp tác xã đang liên kết cùng trên 50 hộ dân với tổng diện tích trên 30ha. Gia đình anh Phùng Thanh Độ (thôn 5, xã Tân Thành) chia sẻ, gia đình anh đang liên kết trồng hơn 1ha chè với Hợp tác xã Chè Tân Thái 168. Nhờ sản xuất theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, cây chè cho thu hoạch từ 10 - 12 lứa/năm, được Hợp tác xã bao tiêu với giá bán ổn định từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình anh Độ thu về trên 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, vào mùa vụ thu hái, anh Độ còn tạo việc làm cho 5 - 7 nhân công, với thù lao từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/người/ngày.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 Bàn Văn Dương, để tạo ra sản phẩm chè có chất lượng, tư duy canh tác cây chè của người dân phải thay đổi. Do vậy, Hợp tác xã đã mở các lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn cho người nông dân, thành lập các Tổ sản xuất để thuận lợi trong quản lý và theo dõi. Đồng thời, cung ứng các loại phân bón, chế phẩm sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP…, đảm bảo cây chè được chăm sóc đúng kỹ thuật, có chất lượng và hương vị ổn định.

Giám đốc HTX Vịt bầu Minh Hương Nông Thị Lịch giới thiệu sản phẩm của HTX.
Giám đốc HTX Vịt bầu Minh Hương Nông Thị Lịch giới thiệu sản phẩm của HTX

Đến hết năm 2023, huyện Hàm Yên có 72 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2024, huyện đã thành lập mới thêm 07 HTX. Hoạt động của các HTX tác động không nhỏ vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra, tiến tới sản xuất sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bước đầu đã có nhiều HTX tham gia xuất khẩu sản phẩm.

Hàm Yên đặt mục tiêu đến hết năm 2025, sẽ có trên 40% số hộ nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện tham gia thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn mà huyện Hàm Yên đã đề ra đến hết năm 2025 là cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ để các HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào nhóm chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.


Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...