Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hàm Yên (Tuyên Quang) : Triển khai thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

PV - 00:18, 12/12/2024

Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) đã triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội hiệu quả. Đây là điểm tựa thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, ổn định sản xuất và phát triển sinh kế cho người dân.

Ông Lý Văn Vinh (bên trái) dân tộc Dao, thôn Cốc Phường, xã Yên Thuận vay vốn chính sách phát triển rừng sản xuất
Ông Lý Văn Vinh (bên trái) dân tộc Dao, thôn Cốc Phường, xã Yên Thuận vay vốn chính sách phát triển rừng sản xuất

Gia đình ông Lý Văn Vinh, dân tộc Dao, thôn Cốc Phường, xã Yên Thuận được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách về trồng keo. Ông Vinh chia sẻ, 5 năm nay, gia đình được tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã giúp có vốn đầu tư làm đất, mua giống, phân bón… để trồng những ha keo đầu tiên. Đến nay, diện tích rừng sản xuất lên đến 9ha và bắt đầu cho khai thác quay vòng, trừ các khoản chi phí thu nhập mỗi năm của gia đình gần 100 triệu đồng. Với số tiền này một phần gia đình để tích lũy, một phần để trả lãi và gốc cho ngân hàng. Nguồn vốn chính sách đúng là điểm tựa để người dân phát triển kinh tế.

Gia đình anh Nguyễn Đức Bình, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên là một trong những hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ vốn vay ưu đãi. Cách đây hơn 2 năm, gia đình anh được vay 100 triệu đồng theo nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo. Anh đã đầu tư cải tạo lại toàn bộ diện tích vườn tạp để trồng cây thanh long, trồng cam sành, đến nay, kinh tế gia đình anh đã từng bước phát triển ổn định.

Anh Bình chia sẻ thêm: Tôi được vay hỗ trợ của của ngân hàng trăm triệu để về cải tạo nâng cấp lại vườn, mang lại hiệu quả, lứa vừa rồi thanh long tôi thu được gần 50 triệu đồng, còn cam thì đến đến giờ rất đẹp.

Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, người dân huyện Hàm Yên đã đẩy mạnh đưa các cây, con giống mới cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều cây, con mới lần đầu tiên được xuất hiện và phát triển tại địa phương, như trồng rừng, trồng chanh tứ thì, cam,… Cùng với đó, những tiềm năng, thế mạnh của địa phương được phát huy, giúp Nhân dân của huyện cải thiện cuộc sống. Việc triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH trên địa bàn huyện đã góp phần giúp huyện giảm được từ 2-3% tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm. Giai đoạn 2019-2023, tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 4.753 hộ xuống còn 3.362 hộ, giảm 4,75%.

Cây thanh long bám đất Yên Phú trở thành cây giảm nghèo cho người dân.
Cây thanh long bám đất Yên Phú trở thành cây giảm nghèo cho người dân

Phó Giám đốc NHCSXH huyện Hàm Yên Phạm Thị Ngọc Quỳnh, cho biết, hiện tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt trên 759 tỷ đồng, với 12.907 khách hàng vay vốn. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ có ý nghĩa to lớn, mang tính nhân văn giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sinh kế. Nguồn vốn giải ngân cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt trên 100 tỷ đồng, với hơn 2.000 hộ vay vốn.

Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững; là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Với những hiệu ứng tích cực từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã khẳng định, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống.

Thời gian tới, huyện Hàm Yên xác định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục làm tốt công tác tín dụng chính sách với nhiều giải pháp thiết thực. Tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH huyện để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách tại địa phương; vận động các nguồn vốn không lãi suất, hoặc lãi suất thấp từ các tổ chức, cá nhân chuyển NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn; làm tốt công tác quản lý, phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách đảm bảo hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch. Đặc biệt, quan tâm tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đối với các hộ đủ điều kiện vay vốn, đặc biệt là các hộ đã vay vốn NHCSXH huyện để đảm bảo phát huy hiệu quả vốn vay, hạn chế rủi ro trong sản xuất kinh doanh, cũng đồng thời giảm rủi ro tín dụng.


Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...