Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hành trình nông dân đến doanh nhân của một phụ nữ dân tộc Tày

Giang Lam - 15:26, 11/11/2024

“Ngon không gì hơn thịt vịt/Yêu thương nhau không ai hơn chị em gái”, người Tày quan niệm, vịt là con vật may mắn nên từ ngày xưa, chúng tôi chọn cách ăn thịt vịt trong nhiều dịp lễ, Tết quan trọng để mong những điều an lành, hạnh phúc. Là người con của bản người Tày, khát vọng đưa thương hiệu vịt bầu quê nhà vươn xa đã thôi thúc tôi mỗi ngày…”. Đó là chia sẻ của chị Nông Thị Lịch, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) vịt bầu Minh Hương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Chị Nông Thị Lịch, Giám đốc HTX vịt bầu Minh Hương (ngoài cùng bên trái) giới thiệu về sản phẩm vịt Minh Hương.
Chị Nông Thị Lịch, Giám đốc HTX vịt bầu Minh Hương (ngoài cùng bên trái) giới thiệu về sản phẩm vịt Minh Hương

Từ thức quà quý ngày lễ, Tết…

Là người con dân tộc Tày sinh ra, lớn lên ở thôn Đồng Cỏm, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, chị Nông Thị Lịch am hiểu bản sắc văn hoá dân tộc mình. Chị bảo, với người Tày nơi đây, vịt là con vật thiêng, được người Tày quý trọng, được lựa chọn làm quà biếu ngày lễ, Tết. Đặc biệt vào rằm tháng Bảy - lễ "Pây tái", con gái và con rể người Tày có tục đem lễ vật về thăm và biếu nhà ngoại đôi vịt béo để thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ.

Từ xa xưa, vịt bầu Minh Hương nổi tiếng khắp vùng. Đây là giống vịt bản địa, được nuôi thả tự nhiên từ nguồn nước suối của cánh rừng đặc dụng Cham Chu. Vịt tròn lẳn, chỉ uống nước suối, ăn thức ăn từ núi rừng, cho chất lượng thịt thơm ngon. Do đó, cứ vào dịp lễ, Tết là người dân khắp vùng đều tìm mua giống vịt này để chế biến mâm cỗ, làm quà biếu tặng. Nhưng vì số lượng vịt bầu trong dân rất hạn chế nên không phải ai cũng mua được. “Vậy là, ý tưởng chăn nuôi, nhân giống, bảo tồn loài vịt quý này bắt nguồn từ đó!”, chị Lịch nhớ lại.

“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, các cụ nói quả không sai. Cái khó khăn đầu tiên chị Lịch vấp phải là giống vịt bầu Minh Hương khá hiếm, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Để nhân đàn, chị Lịch đến từng nhà vận động các hộ dân cùng nhân giống, giữ gìn nguồn gen giống vịt quý hiếm này. Bản thân chị Lịch hằng ngày vào từng bản làng thu mua mỗi nhà một ít, chị chọn mua vịt to, vịt con, ấp trứng để nhân giống. Tích tiểu thành đại, chị Lịch có đàn vịt trên 200 con. Nhờ đó, giống vịt bầu Minh Hương vẫn bảo tồn được nguồn gen, không bị lai tạo với các giống vịt của địa phương khác.

Đoàn lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân huyện Hàm Yên tham quan, kiểm tra mô hình chăn nuôi vịt của HTX vịt bầu Minh Hương.
Đoàn lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân huyện Hàm Yên tham quan, kiểm tra mô hình chăn nuôi vịt của HTX vịt bầu Minh Hương

Nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương

Để phát triển, nhân giống đàn vịt được bền vững, chị Nông Thị Lịch đã học hỏi thêm nhiều kiến thức từ sách vở và tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi. Năm 2018, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Lịch quyết định thành lập HTX vịt bầu Minh Hương, do chị làm Giám đốc. Các thành viên tham gia đều là những người nông dân ở 2 xã Bình Xa, Minh Hương.

Nhờ có kiến thức, kinh nghiệm của người chăn nuôi, chị Lịch rút ra được nhiều điều để phát triển đại trà giống vịt quý này. Chị bảo, giống vịt này rất nhạy cảm, hễ người lạ vào là sợ bỏ ăn ngay. Nếu bắt một con là cả đàn ủ rũ, nhịn ăn vài ngày nên khi bán vịt là phải bán hết lượt hoặc phải nhốt riêng số lượng bán sang khu chuồng cách xa nhau để chúng không nhìn thấy. Đối với vịt đẻ thì chỉ nuôi trong khuôn viên, không thả ra suối vì dễ bị làm dập trứng. Còn vịt thương phẩm thì được thả ra suối. Loại này nuôi trên 5 tháng là có thể xuất bán, trung bình mỗi con nặng từ 1,9kg đến 2,2kg/con, giá bán trên 150 nghìn đồng/kg.

Năm 2020, vịt bầu Minh Hương đã được chứng nhận đạt 3 sao OCOP và được bạn hàng từ các thị trường Hà Nội, Phú Thọ đón nhận. Có những thời điểm HTX xuất bán được 3.000 đến 4.000 con. Tháng 9/2023, sản phẩm vịt bầu Minh Hương được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam vinh danh là ẩm thực tiêu biểu Việt Nam.


Để tiêu thụ sản phẩm vịt bầu, chị Lịch cùng các thành viên trong HTX đã đi đến từng nhà hàng, cửa hàng “gõ cửa” chào hàng và tham gia các hội chợ ở TP. Tuyên Quang, các xã, thị trấn. Đồng thời thực hiện liên kết chăn nuôi, thu mua sơ chế và tiêu thụ hết sản phẩm cho người dân trên địa bàn. Vịt bầu Minh Hương từng bước hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những sản phẩm có chất lượng. Đặc biệt năm 2020, vịt bầu Minh Hương đã được chứng nhận đạt 3 sao OCOP và được bạn hàng từ các thị trường Hà Nội, Phú Thọ đón nhận. Có những thời điểm HTX xuất bán được 3.000 đến 4.000 con.

Gia đình anh Triệu Văn Hoà, thôn 13 Minh Quang, xã Minh Hương là thành viên của HTX vịt bầu Minh Hương. Hiện nay, trang trại của anh có 300 con vịt. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán 2 lứa. Vịt bầu của gia đình anh được tiêu thụ tại các nhà hàng ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên… Từ nuôi vịt, mỗi năm anh Hòa lãi khoảng hơn 100 triệu đồng.

Hiện nay HTX vịt bầu Minh Hương có 7 thành viên, đồng thời liên kết các hộ dân chăn nuôi ở xã Minh Hương, Bình Xa, Phù Lưu… hình thành chuỗi “từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm” nhằm đưa đặc sản này tiếp cận nhiều thị trường hơn. Hành trình từ cô nông dân người Tày đến nữ Giám đốc HTX năng động, nhanh nhẹn của chị Nông Thị Lịch đã góp phần đưa thương hiệu nông sản của quê hương vươn xa. Đặc biệt là dấu mốc tháng 9/2023, sản phẩm vịt bầu Minh Hương được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam vinh danh là ẩm thực tiêu biểu Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Giám sát Dự án 1 Chương trình MTQG 1719

Ninh Thuận: Giám sát Dự án 1 Chương trình MTQG 1719

Chiều 28/11, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức buổi giám sát thực hiện Dự án 1 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội và miền núi (Chương trình MTQG 1719) tại Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận). Đoàn công tác do bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và phản biện xã hội thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn. Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận tiếp làm việc với Đoàn công tác.