Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người tạo mốt cho thổ cẩm

Giang Lam - 10:27, 20/03/2023

Người Mông có câu “Biết gieo không tốn giống, biết sống không tốn lời”, bởi vậy, bà con ở thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) luôn tin tưởng cô cán bộ trẻ Mã Thị Bí, người vừa tài năng, giỏi giang, vừa hết lòng vì mọi người...

Chị Mã Thị Bí hướng dẫn người dân may trang phục truyền thống.
Chị Mã Thị Bí hướng dẫn người dân may trang phục truyền thống.

Bí sinh ra và lớn lên ở Làng Mông, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Trong một lần đi chơi nhà người thân ở Tuyên Quang, Bí gặp được anh chàng Lý Văn Mỳ  ở Yên Lâm rồi nên duyên vợ chồng từ đấy...

Thổ cẩm cũng có mốt

Ngôi nhà nhỏ của Mã Thị Bí nằm cheo leo trên đồi núi thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) nhưng luôn nhộn nhịp khách ra vào. Bí khéo tay biết làm rất nhiều bộ váy Mông đẹp rồi Livestream, quay Video, đăng ảnh bán hàng sang cả nước ngoài, chuyên nghiệp lắm.

Trước sân nhà của Bí là hàng chục chiếc váy xòe vừa mới hoàn thành. Điều thú vị những bộ váy Mông màu sắc sặc sỡ, lấp lánh ánh bạc, đính hạt cườm một cách tinh tế được làm từ đôi bàn tay cô gái Mông xinh đẹp Mã Thị Bí.

Những vuông vải thổ cẩm với hoa văn khác nhau, ngoài các họa tiết được thêu bằng đường thẳng, đoạn thẳng, Bí còn thêu hoa văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc, bông hoa núi rừng, hình ảnh bãi lúa nương ngô… tất cả được sắp xếp một cách hài hòa, đẹp mắt, giàu tính sáng tạo.

Chuyện trò về sự sáng tạo này, Bí bảo, nếu cứ làm theo “mẫu” thì quá đơn giản, sáng tạo là yêu cầu khắt khe để mỗi bộ trang phục có được vẻ đẹp riêng, hợp “gu” từng người, từng lứa tuổi và theo từng thời điểm. Thế nên người ta bảo, thổ cẩm cũng có... mốt là vậy!

Cô giáo Bí và những lớp học không miễn phí

Căn nhà nhỏ của Bí khá ngăn nắp, gọn gàng, Bí bố trí hẳn 1 phòng để thỏa sức sáng tạo với đồ may thêu, máy may công nghiệp, kho vải thổ cẩm… Ngoài sân, Bí bày biện những bộ váy áo xinh xắn do tự tay mình làm ra. Bên cạnh cung cấp cho người dân địa phương, Bí còn chụp ảnh, quay Video sản phẩm, Livestream quá trình làm từng mẫu váy để giới thiệu cho khách.

Bí vui vẻ khoe rằng, những năm gần đây, khách của Bí mở rộng đến tận Mỹ, Úc, Thái Lan, Lào… có đơn đặt đến tận mấy nghìn USD đấy. Vì cộng đồng người Mông có mặt khắp các nước trên thế giới, khi được xem hình ảnh, Video sản phẩm mà Bí giới thiệu, khách ưng ý và Inbox để đặt hàng ngay.

Giờ đây đơn hàng hằng tháng Bí bán khoảng 20 bộ, mỗi bộ dao động từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng, tùy mẫu mã. Bí mở lớp hướng dẫn cho bà con dân bản cách làm trang phục. Điều thú vị là lớp học này không miễn phí đâu, phải trả tiền mới được học đấy, thế nhưng vẫn nhiều người theo học.

Bí bảo, đây là nghề yêu cầu sự kiên trì, tỉ mẩn, chăm chỉ thế nên ban đầu phải thu ít kinh phí thì chị em mới quyết tâm theo học được. Nghỉ học buổi nào là xót tiền buổi đó. Đó là bí quyết của cô giáo Bí đấy.

Học phí Bí thu không đáng là bao nhưng với sự khéo léo, tận tình của mình giờ đây Bí có một đội ngũ “nhân viên” khá thạo nghề đảm nhiệm những công đoạn như: Thêu thùa, đính hạt cườm, đính đồng bạc…

Chị Lý Thị De chia sẻ: “Mình được Bí dạy từng chút một, bây giờ cũng biết biết rồi. Mình lại làm thuê, được trả công theo sản phẩm. Tranh thủ lúc rảnh là mình làm, có thêm thu nhập, mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng đấy”.

Chị Mã Thị Bí luôn tâm tình vận động người dân không theo tà đạo.
Chị Mã Thị Bí luôn tâm tình vận động người dân không theo tà đạo

 Biết gieo không tốn giống…

Mã Thị Bí hiện là Phó Trưởng thôn, Bí thư Chi đoàn thôn Quảng Tân. Thôn Quảng Tân có 147 hộ dân, 100% đồng bào Mông. Những năm trước đây nhiều người mù quáng đi theo tà đạo, Bí cùng với cán bộ thôn vận động bà con tỉnh ngộ để một lòng tin vào Đảng, vào Bác Hồ.

Bí kể rằng, trước đây trong thôn có một số người tin theo những lời dụ dỗ của tà đạo như “không cần làm mà vẫn có cái ăn”, “chết sẽ được lên thiên đường”… Bí đã đến từng nhà thuyết phục gặp gỡ, tìm hiểu những khó khăn để đưa ra cách giải quyết.

Như trường hợp vợ chồng trẻ Lý Văn C, Hoàng Thị T, ngoài 20 tuổi, sống trong một túp lều nhỏ. Cuộc sống khó khăn lại “trẻ người non dạ” nên đã bị dụ dỗ. Đích thân Bí đã vận động người dân trong thôn quyên góp tiền và hàng chục ngày công để dựng căn nhà trình tường, dạy làm trang phục rồi thuê làm việc theo sản phẩm. Từ đó, hai vợ chồng C rất cảm động, chí thú làm ăn, không còn tin theo lời kẻ xấu.

Người Mông có câu “Biết gieo không tốn giống, biết sống không tốn lời”, bà con luôn tin tưởng cô cán bộ trẻ. Nhờ đó Bí đã vận động được 5 cặp vợ chồng từ bỏ tà đạo góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Với những đóng góp cho cộng đồng, vừa qua, chị Mã Thị Bí đã được Huyện ủy Hàm Yên biểu dương, khen thưởng trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2022 và được tham dự gặp mặt Người có uy tín, lực lượng cốt cán tiêu biểu trong đồng bào DTTS do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức năm 2022.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.