Hằng năm, các xã trên địa bàn huyện tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, từ đó đề ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Thực tế cho thấy, nếu vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại thì việc thoát nghèo rất khó khăn. Chính vì thế, khi triển khai các chính sách về giảm nghèo, huyện Hàm Yên luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân về ý nghĩa Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Với hình thức và nội dung phong phú, linh hoạt, các hoạt động tuyên truyền đã nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Thông qua đó, thể hiện quyết tâm nỗ lực vươn lên, triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo kịp thời nhưng đồng thời cũng phát huy tinh thần tự giác vươn lên của mỗi hộ nghèo.
Anh Nông Văn Tiến, dân tộc Dao ở xã Hùng Đức (Hàm Yên) từng được nhận Giấy khen của UBND huyện Hàm Yên về điển hình vươn lên thoát nghèo. Xuất phát điểm thấp, kinh tế khó khăn khi vừa phải nuôi các con ăn học trong khi chỉ trông vào mấy sào ruộng, đất vườn chưa phát huy hiệu quả. Gia đình anh được Nhà nước tạo điều kiện vay vốn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp VAC.
Trong quá trình phát triển sản xuất, anh được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tổ chức tại địa phương. Bản thân anh và gia đình luôn biết ơn sự giúp đỡ của Nhà nước và chính quyền địa phương, coi đó là sự khích lệ gia đình đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Anh động viên các thành viên trong gia đình cùng đoàn kết, chăm chỉ lao động, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật đã học vào sản xuất. Nhờ đó, gia đình anh đã có nguồn thu ổn định và thoát nghèo từ nhiều năm nay. Anh Tiến bảo, nếu không có sự nỗ lực của bản thân và gia đình thì việc thoát nghèo thực sự khó và không bền vững được. Theo anh, mấu chốt thoát nghèo vẫn là ý chí và quyết tâm của mỗi người. Nếu không quyết tâm vươn lên cứ trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước thì sẽ không bao giờ thoát nghèo được.
Còn anh Nguyễn Việt Phong, Trưởng thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh, Giám đốc HTX rau quả an toàn Đức Ninh, gia đình anh tập trung phát triển kinh tế gia đình từ việc trồng cây bưởi đặc sản theo tiêu chuẩn VietGap. Anh đã đăng ký chỉ dẫn địa lý, mỗi năm cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên, với mức lương trung bình hằng tháng khoảng 7 triệu đồng/người/1 tháng.
Dựa vào những đặc điểm của đối tượng người nghèo, khu vực miền núi vùng đồng bào DTTS…, huyện Hàm Yên luôn tạo điều kiện để người dân thuận lợi tham gia các dự án, mô hình phát triển sản xuất tại cộng đồng. Từ các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tại Hàm Yên đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, đại diện cho tinh thần lao động sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của người dân.
Từ trước đến nay, trên địa bàn huyện có rất nhiều tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo thật đáng trân trọng. Huyện cũng tích cực ghi nhận, biểu dương kịp thời, để từ đó nhân rộng, lan tỏa. Đó là câu chuyện viết Đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của cụ bà Quyền Thị Dưỡng, 85 tuổi, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên; cụ Đặng Thị Kỉnh, 85 tuổi thôn Soi Long, xã Thái Hòa; cụ Nguyễn Thị Tuyết, thôn Cây Xoan, xã Đức Ninh,… Các cụ tuổi cao sức yếu nhưng luôn là tấm gương sáng trong lao động và thể hiện tinh thần vượt qua khó khăn khiến nhiều người nể phục.
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, huyện Hàm Yên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình MTQG, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, huyện Hàm Yên đã triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, theo đó, tổng kế hoạch vốn được giao cho Chương trình là 18 tỷ 576 triệu đồng, đến nay, huyện đã giải ngân 10 tỷ 569 triệu đồng.