Theo công bố của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) ngày 17/5, Phó Giáo sư Dương Minh Hải đã hợp tác cùng Phó Giáo sư Phan Toàn Thắng nghiên cứu chiết xuất xơ từ lá dứa để tạo ra chất giảm béo ở dạng viên nang hoặc bánh quy giòn.
Phó Giáo sư Dương Minh Hải, Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Thiết kế và kỹ thuật NUS, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, việc tận dụng phần lá dứa thường bị bỏ đi trong quá trình thu hoạch cũng giúp giảm thiểu chất thải nông nghiệp.
Được biết, trước đó, vào tháng 9/2020, PGS Dương Minh Hải cùng các đồng nghiệp đã tìm ra phương pháp biến lá dứa thành aerogel phân hủy sinh học để xử lý nước thải và bảo quản thực phẩm.
PGS Dương Minh Hải nói: "Trong nghiên cứu mới này, chúng tôi đã tận dụng các đặc tính cơ học tuyệt vời của sợi lá dứa để hấp thụ chất béo, một ứng dụng có giá trị cao. Cùng với nghiên cứu trước đó là sử dụng lá dứa để sản xuất aerogel, mục tiêu của chúng tôi là giúp giảm lượng rác thải nông sản và tăng lợi nhuận cho người nông dân".
Phương pháp sản xuất do nhóm NUS phát triển cũng rất "hiệu quả về mặt chi phí", PGS Dương Minh Hải cho biết thêm.
Xơ lá dứa giảm béo bằng cách nào?
Sau khi uống vào, viên nang hoặc bánh quy giòn sẽ hấp thụ các hợp chất béo như mỡ động vật và tạo thành các cục xơ bọc chất béo.
Phó Giáo sư Phan Toàn Thắng, Khoa Phẫu thuật, Trường Y Yong Loo Lin, thuộc NUS, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Các chất giảm béo này sẽ đi qua hệ tiêu hóa trong một đến ba ngày, tương tự như các thực phẩm khác chúng ta tiêu thụ,
Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm mô phỏng tình trạng axit trong đường tiêu hóa của con người, nhóm nghiên cứu của NUS đã phát hiện ra rằng, 1 gam sợi lá dứa có thể hấp thụ 45,1 gam chất béo nấu chín và 20,4 gam chất béo của người.
“Dựa trên kết quả thử nghiệm của chúng tôi, bạn sẽ cần chưa đến một viên nang sợi lá dứa để hấp thụ chất béo bão hòa khi ăn một chiếc bánh hamburger”, PGS Dương Minh Hải cho biết.
Phương pháp do nhóm các nhà khoa học của NUS đề xuất có thể được sử dụng để bào chế chất giảm béo từ các loại sợi cellulose khác như bã mía, bột giấy và bã cà-phê.
Tìm cách thương mại hóa công nghệ giảm béo giá rẻ
NUS cho biết, theo một cuộc điều tra sức khỏe dân số quốc gia năm 2020 của Bộ Y tế Singapore, ước tính có khoảng 35,5% người Singapore từ 18 đến 74 tuổi bị huyết áp cao, 39,1% người bị cholesterol cao.
Một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo cũng như giảm cân thích hợp cho những người béo phì có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Vào năm 2020, quy mô thị trường toàn cầu của thực phẩm chức năng giảm cân được định giá 33,4 tỷ USD và từ năm 2021 đến năm 2028 dự kiến sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 16,6%.
Các thành phần phổ biến trong các thực phẩm chức năng giảm cân hiện nay gồm chitosan, crom picolinate, acid linoleum và chiết xuất trà xanh.
NUS cho biết: “Thiếu bằng chứng khoa học để chứng minh hiệu quả của các thực phẩm chức năng theo phương pháp bẫy mỡ này. Hầu hết các phương pháp bẫy chất béo hay đốt mỡ giảm béo cũng tốn kém vài trăm USD một tháng".
Nhóm NUS đã nộp bằng sáng chế cho ứng dụng mới lạ này từ sợi lá dứa và đang tìm kiếm các đối tác để thương mại hóa công nghệ giảm béo với chi phí bằng một nửa các công nghệ hiện có này./.