Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Nội rà soát “khai tử” nhiều làng nghề

Trương Vui - 08:48, 09/06/2023

Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP. Hà Nội, hiện có khoảng 139 làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, gần 100 làng nghề đang trong tình trạng ô nhiễm; khoảng 36% hộ sản xuất trong làng nghề không có công trình xử lý chất thải, hàm lượng các chất ô nhiễm trong nguồn nước thải tại nhiều làng nghề vượt giới hạn nhiều lần. Để giải quyết vấn đề này, TP. Hà Nội đã đưa ra danh mục về các làng nghề mai một cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi “Danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống” của UBND Thành phố.

Làng nghề mây tre đan (Ảnh: TL)
Làng nghề mây tre đan (Ảnh: TL)

Tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề so với giai đoạn trước, nhìn chung vẫn chưa được kiểm soát, tại một số làng nghề còn có xu hướng gia tăng.

Cùng với đó, Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ rõ, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể, chỉ có  20,9% làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý CTR công nghiệp, 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu.

Chỉ tính riêng tại TP. Hà Nội, hiện có khoảng 139 làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, gần 100 làng nghề đang trong tình trạng ô nhiễm, chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản - thực phẩm, dệt, may mặc...Trong đó, khoảng 36% hộ sản xuất trong làng nghề không có công trình xử lý chất thải, hàm lượng các chất ô nhiễm trong nguồn nước thải tại nhiều làng nghề vượt giới hạn nhiều lần.

Để giải quyết vấn đề nổi cộm này, vừa qua, tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn là một vấn đề đáng báo động (Ảnh: TL)
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn là một vấn đề đáng báo động (Ảnh: TL)

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường; định hướng đến năm 2030, bảo đảm 100% làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở đó, thành phố đã đưa ra danh mục gồm 29 làng nghề cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi “Danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống” của UBND Thành phố. Trong đó, có 8 làng nghề mây tre đan và mây song giang đan xuất khẩu ở huyện Chương Mỹ, 3 làng nghề tại huyện Thanh Oai, 3 làng nghề huyện Phú Xuyên, 3 làng nghề huyện Phúc Thọ, 2 làng nghề thuộc quận Hà Đông, 2 làng nghề huyện Đan Phượng, 2 làng nghề huyện Thường Tín, cùng một số làng nghề ở các huyện Mỹ Đức, Quốc Oai, Ứng Hòa, quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.

Ngoài xuất phát từ việc số hộ sản xuất ít, lợi nhuận kinh tế không cao, nguy cơ mai một, theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, các vấn đề bảo đảm chất lượng môi trường cũng là một thách thức không nhỏ cho các làng nghề này. Nhiên liệu, công nghệ sản xuất chưa đảm bảo, việc đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải chưa được chú trọng. Đồng thời, do quỹ đất hạn chế, việc di dời các hộ sản xuất tại các làng nghề sang các khu công nghiệp còn là một bài toán khó trong việc bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, bên cạnh sự đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế tại các địa phương của các làng nghề, cần nhìn nhận mặt trái của sự phát triển làng nghề hiện nay là ô nhiễm môi trường. Tình trạng sản xuất tại hộ gia đình, khu dân cư còn tồn tại, gây khó khăn trong đầu tư đổi mới công nghệ và hệ thống xử lý chất thải. Trong khi đó, số lượng điểm, cụm, khu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của các làng nghề.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn là một vấn đề đáng báo động (Ảnh: TL)
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn là một vấn đề đáng báo động (Ảnh: TL)

Phát triển làng nghề bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường ngày một lớn, với mục tiêu phát triển làng nghề, đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, nhiều giải pháp đã được các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức xã hội thực hiện.

Tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thành phố xây dựng Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2040; tham mưu xây dựng dự thảo “Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2023”.

Đặc biệt, là tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, có nhiều giải pháp nhằm phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, trọng tâm là các nhiệm vụ về xử lý nước thải làng nghề. Trong đó, có việc triển khai công tác khảo sát, lập dự án thí điểm đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo mô hình hợp tác công - tư tại làng nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức; dự án đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường làng nghề thủ công, mỹ nghệ sử dụng tích hợp công nghệ xử lý mô đun - hóa học chuyên biệt cho các chất sơn mài, phẩm phụ gia… Trong năm 2023, Sở sẽ hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố.

Hay với Hiệp hội làng nghề Việt Nam, trong vai trò đại diện cho hội viên làng nghề trong cả nước, Hiệp hội cũng chủ trọng tổ chức các hội thảo hàng năm, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn cho các cơ sở trong làng nghề về xử lý môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, áp dụng công nghệ vào các làng nghề, đưa các mô hình sử dụng lò ga, lò điện thay cho lò than, lò củi để giảm tải tác động ô nhiễm môi trường.

Hà Nội hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế làng nghề bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Hà Nội hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế làng nghề bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Để phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường tại các làng nghề, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cơ sở và người dân tại các làng nghề, nhất là đối với những làng nghề ô nhiễm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề, hướng tới tổ chức quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, kết hợp xây dựng các địa điểm tập kết, trung chuyển chất thải, hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước tại các làng nghề.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm cũng được chú trọng, đảm bảo các hộ sản xuất trong làng nghề đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Song song với đó, tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường đến các làng nghề, trong đó phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong việc vận động các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề thực hiện đầy đủ các nội dung về báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong xử lý, khắc phục sự cố môi trường kịp thời, hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.