Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Tìm lời giải cho bài toán xử lý rác thải ở vùng biển Tịnh Kỳ

Đ.Quang - L.Phương - 08:28, 30/11/2022

Tịnh Kỳ là xã vùng biển ở Tp. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) có lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất so với các xã ven biển Quảng Ngãi. Từ nhiều năm nay, bờ biển nơi đây lúc nào cũng phủ kín rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa, đã biến khu vực này thành bãi chứa rác, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bãi biển Tịnh Kỳ ngập ngụa rác thải
Bãi biển Tịnh Kỳ ngập ngụa rác thải

Biển Tịnh Kỳ bị “bức tử”

Từ nhiều năm nay, tình trạng rác thải ở các lưu vực sông, biển theo thủy triều dạt vào bãi biển Sa Kỳ, đoạn qua thôn An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ, Tp. Quảng Ngãi) ngày càng nhiều. Toàn bộ khu vực bãi biển đã bị phủ kín bởi nhiều loại rác gồm nylon, bao bì, thùng xốp, chai nhựa… và bốc mùi hôi thối mỗi khi trời mưa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân của thực trạng này là do các hộ dân ở vùng ven sông, ven biển các địa phương Bình Châu, huyện Bình Sơn, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Long, Tịnh An, Tịnh Thiện... xả rác bừa bãi, rác theo sông Kinh và các sông nhỏ khác đổ ra cửa biển Sa Kỳ ngày một nhiều. Một phần nhỏ đổ ra biển Đông, phần còn lại trôi lòng vòng và chìm xuống dọc ven biển Bãi Trước và Bãi Sau xã Tịnh Kỳ. Ngoài ra, còn có lượng rác thải lớn do chính các hộ dân xã Tịnh Kỳ lén lút đổ ra biển, thêm vào đó là túi nylon do các tàu thuyền vứt xuống biển khi vào buôn bán cá ở Cảng cá Sa Kỳ.

Để giải quyết tình trạng này, trong vài năm gần đây, chính quyền địa phương xã Tịnh Kỳ cùng các sở ngành đoàn thể ở tỉnh và Tp. Quảng Ngãi đã có nhiều giải pháp như: Thu gom rác bằng thủ công và cơ giới phân loại xử lý hàng ngàn tấn rác thải túi nylon; vận động người dân không xả rác bừa bãi và tham gia thu gom rác trong khu vực. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì rác lại xuất hiện nhiều thêm.

Khu neo đậu tàu thuyền gần Cảng Cá Tịnh Kỳ cũng tràn ngập rác
Khu neo đậu tàu thuyền gần Cảng Cá Tịnh Kỳ cũng tràn ngập rác

Riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp. Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch xử lý rác bằng biện pháp thu gom kết hợp với lắp đặt hệ thống Camera giám sát nhưng tình hình rác thải ven biển Tịnh Kỳ vẫn chưa có kết quả tốt như mong muốn.

Ông Võ Duy Linh, một người dân ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ cho biết: Ô nhiễm môi trường ở vùng ven biển của thôn có lỗi của một số hộ dân địa phương. Ban đêm thường họ lén đem rác đổ ra biển vì họ nghĩ rác sẽ trôi ra biển. Tôi mong lãnh đạo thành phố tổ chức một cuộc họp lãnh đạo các xã khu Đông thành phố và lãnh đạo xã Bình Châu để tìm cách giải quyết.

“Nếu mọi người dân sống ở ven sông, ven biển đều có ý thức bảo vệ môi trường, không bỏ rác xuống sông, xuống biển thì bãi biển Tịnh kỳ sẽ không bị bức tử như vậy”, ông Linh bộc bạch.

Đáng chú ý, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua. Cứ đến mùa mưa lũ, rác thải sinh hoạt theo các con sông trôi về biển rồi lại bị tấp vào bờ. Đoạn bờ biển khoảng 300 m phủ kín rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa khó phân hủy. Nhiều nhà dân khu vực này phải đóng cửa cả ngày để tránh mùi hôi thối từ bờ biển xộc vào.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Trưởng thôn An Vĩnh chia sẻ: Năm nào cũng có rác nhưng năm nay là kinh khủng nhất, quá nhiều rác tấp vào. Đoạn bờ biển này có hơn 100 hộ dân sinh sống, ô nhiễm vầy chịu không thấu.

Rác thải toàn là túi nylon
Rác thải toàn là túi nylon

Cần có giải pháp bền vững

Ông Nguyễn Hoài Thanh - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, cho biết: Rác thải từ nơi khác vẫn trôi theo các con sông rồi tấp vào bờ biển gây ô nhiễm. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân địa phương. Chúng tôi đã nhiều lần ra quân dọn dẹp môi trường nhưng rác thải vẫn liên tục tấp vô bãi biển khu vực thôn An Vĩnh. Đây là vấn đề rất khó giải quyết dứt điểm.

Cũng theo ông Thanh, trước tình trạng ô nhiễm môi trường nặng, người dân trong thôn đã đề xuất nhiều ý tưởng bảo vệ môi trường biển như: Trồng cây xanh ven biển, thành lập Câu lạc bộ sống vui sống khỏe bảo vệ môi trường… nhưng khó quá vì không có kinh phí.

“Về lâu dài, Nhà nước nên đầu tư xây kè biển là tốt nhất, bởi vì xây kè vừa chống được xói lở vừa ngăn được rác trôi vào bờ. Ngoài tuyên truyền người dân ý thức bảo vệ môi trường, xử lý phân loại rác, mỗi thôn, xã cần xây dựng một Câu lạc bộ bảo vệ môi trường biển gắn với thu hoạch và bảo vệ rong mơ, người dân có thu nhập họ sẽ làm tốt hơn việc thu gom xử lý rác thải. Đoàn thanh niên cũng nên lập các nhóm chung tay bảo vệ môi trường gắn với phát triển các dịch vụ du lịch...”, ông Thanh đề xuất.

Được biết, Quảng Ngãi có 130 km bờ biển, trong đó có rất nhiều khu dân cư ven biển bị rác tấn công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngành chức năng ở tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề thế nhưng chuyên đề xử lý rác thải ven biển thì chưa bàn đến.

Trao đổi về vấn đề này, một số người có kinh nghiệm về môi trường đều có ý kiến chung là xã Tịnh Kỳ nên có đề án, xây dựng công viên biển quanh khu vực kè biển thôn Kỳ Xuyên. Sau khi thực hiện thành công mô hình này, sẽ rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng ở những khu vực khác. Và để người dân hiểu sâu về lợi ích của việc bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương xã Tịnh Kỳ cùng các ngành chức năng cần học tập kinh nghiệm xử lý môi trường biển ở một số địa phương làm rất tốt như ở Tp. Quy Nhơn (Bình Định) và phổ cổ Hội An (Quảng Nam).

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.