Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Nội - Lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

Mai Hương - 22:35, 01/07/2023

Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp chính quyền, ban, ngành và người dân TP. Hà Nội đã tham gia tích cực. Nhờ đó, diện mạo vùng nông thôn Thủ đô thay đổi từng ngày, cuộc sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện và nâng cao hơn so với trước đây. TP. Hà Nội đang nỗ lực quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2025, xứng đáng là lá cờ đầu trong xây dựng NTM.

Xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh là một trong 8 xã của huyện Đông Anh hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022
Xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh là 1 trong 8 xã của huyện Đông Anh hoàn thành xây dựng NTM nâng cao năm 2022

Thành quả quan trọng trong xây dựng NTM

Với 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Hà Nội được Trung ương đánh giá là “lá cờ đầu” của cả nước trong xây dựng NTM. Việc hoàn thiện tiêu chí NTM nâng cao tại nhiều xã đã góp phần đưa vùng ngoại thành Hà Nội trở thành những miền quê đáng sống. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại. Ở đó, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy.

Đặc biệt, đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn đã đạt trên 54 triệu đồng/người/năm. Một số huyện có thu nhập bình quân tính theo đầu người dân cao như: Đan Phượng 66 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 65 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 64 triệu đồng/người/năm… Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang; công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ. Đến nay, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm; đường làng ngõ xóm khang trang, bê tông hóa...

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội cho biết, để đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, các xã phải đáp ứng đủ 19 tiêu chí theo quy định của Trung ương và Thành phố. Đối với xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phải đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định. Ngoài ra, phải đạt các chỉ tiêu bắt buộc như: Thu nhập, mô hình “thôn thông minh”. Đối với các tiêu chí tự chọn, các xã chọn 1 trong 8 lĩnh vực để thực hiện, là: An ninh trật tự, môi trường, sản xuất, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số...

Ông Phương Văn Liểu - Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng, huyện Ba Vì cho biết, toàn xã có 7 thôn với gần 150 con ngõ. Từ khi triển khai Chương trình xây dựng NTM nâng cao, tất cả các con ngõ đều phong quang, sạch đẹp, được tô điểm bằng một lượng cây xanh, đèn chiếu sáng. Cùng với đó là những bức tường được sơn mới, vẽ tranh rất đẹp mắt. Đó là diện mạo bên ngoài. Còn bên trong, tình làng nghĩa xóm cũng gắn kết hơn. Minh chứng là sự chung tay, đồng lòng của bà con khi chính quyền triển khai chương trình này.

“Người dân ở cả 7 thôn đều tích cực ủng hộ phong trào xây dựng NTM. Do đó khi triển khai, chúng tôi đạt được cả 5 tiêu chí đề ra là: Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Chúng tôi còn thu hút được nguồn lực đáng kể từ sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Năm 2022, người dân ủng hộ hơn 10 tỷ đồng”, ông Liểu cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội: Đến nay, Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Toàn thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt đến nay, Hà Nội có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt NTM kiểu mẫu. Đây là một thành quả lớn, một minh chứng cho nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong thời gian qua đối với công tác xây dựng NTM.

Theo thống kê, tính đến quý III năm 2022, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM là 40.650,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố là 20.416 tỷ đồng (chiếm 50,22%). Điểm đặc biệt trong xây dựng NTM của TP. Hà Nội chính là sự tham gia chung tay của các quận hỗ trợ các huyện, thị xã xây dựng NTM với tổng kinh phí đóng góp là 414,7 tỷ đồng.

Nhiều tuyến đường, con ngõ như được thay "áo mới" từ chính bàn tay, công sức và kinh phí của người dân trong xã NTM ở xã Đông Quang, huyện Ba Vì
Nhiều tuyến đường, con ngõ như được thay "áo mới" từ chính bàn tay, công sức và kinh phí của người dân trong xã NTM ở xã Đông Quang, huyện Ba Vì

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Điểm khác biệt dễ nhận thấy khi Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM chính là không chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mà TP. Hà nội còn đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhằm tạo sinh kế cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng NTM hiệu quả, thực chất và bền vững. Trên cơ sở này, cả hệ thống chính trị cùng chung tay xây dựng NTM.

Nhờ được quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư nên chỉ trong thời gian ngắn, hạ tầng xã hội, hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh của Hà Nội đã phát triển khá đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp, các làng nghề có nhiều bước phát triển, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tốt, doanh thu lẫn giá trị sản xuất tính theo héc-ta tăng cao lên tới hàng tỷ đồng: Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao ở Đan Phượng, Hoài Đức hay mô hình nuôi vỗ béo bò 3B của một số nông dân ở Hoài Đức, Đan Phượng cho lợi nhuận hàng tỷ đồng...

Về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì ngay từ giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù Trung ương chưa có bộ tiêu chí, mà mới chỉ có định hướng, thì Hà Nội đã chủ động, sáng tạo xây dựng được bộ tiêu chí rất tốt và sát với định hướng. Xây dựng NTM, TP. Hà Nội bao giờ cũng có yêu cầu cao hơn so với các địa phương khác. Nhờ đó, cuộc sống của người dân vùng nông thôn ở Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Những thành quả đạt được trong xây dựng NTM của TP. Hà Nội là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức đòi hỏi cần phải sớm giải quyết, nhất là tốc độ đô thị hóa. Vì vậy, việc quy hoạch, đặc biệt đối với các huyện, thị xã sẽ lên quận trong tương lai đòi hỏi cần phải nghiên cứu, tính toán, xem xét kỹ lưỡng, hài hòa để thích ứng phù hợp với đô thị. Cùng với đó là vấn đề môi trường, việc thu gom rác thải, xử lý nước thải, nhất là nước thải ở các làng nghề... cũng đặt ra cho chính quyền các cấp ở Hà Nội những "bài toán" không hề đơn giản. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa, khai mở tiềm năng, lợi thế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội sẽ là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi Thủ đô cần có những cách làm phù hợp.

Trong năm 2023, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để đầu tư hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, trong đó, chú trọng đầu tư nguồn lực cho các chỉ tiêu về trường học, nước sạch, y tế. Đồng thời thường xuyên giám sát, định kỳ tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao tại các đơn vị, địa phương để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Vừa qua, Hà Nội công nhận 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao thuộc các huyện, thị xã: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Oai, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mê Linh, Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Sơn Tây. Sau khi hoàn thành mục tiêu đưa 100% số xã về đích NTM, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiến lên xây dựng NTM nâng cao.


*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn Phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.