Trước thực trạng đó, những năm qua, công tác bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Giang, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế đến văn hóa thông tin trong đời sống của đồng bào DTTS. Việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương cũng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhất là trong công tác chỉ đạo triển khai Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em trong khuôn khổ Chương trình MTQG 1719. Nhờ đó, nhận thức của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang về bình đẳng giới từng bước có sự chuyển biến tích cực.
Đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới
Thực hiện Kế hoạch Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã chủ động lồng ghép công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong kế hoạch hoạt động chuyên môn, thông qua các chương trình tập huấn, hội nghị, giao ban, đọc báo đầu giờ,...
Điển hình như, thành phố Hà Giang tuyên truyền trên Đài phát thanh được 125 lượt, trên hệ thống FM giao thông được 21 lượt, Trang thông tin điện tử được 11 tin bài, tuyên truyền bằng xe lưu động được 14 lượt, tuyên truyền tại tổ dân phố, thôn bản được 475 cuộc với 20.785 người tham gia. Huyện Đồng Văn có 100% tỷ lệ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và 80% người dân ở khu cụm dân cư được tuyên truyền về bình đẳng giới. Huyện Mèo Vạc lồng ghép tuyên truyền được 155 cuộc với 34/872 người nghe, tuyên truyền bằng loa di động được 316 cuộc với trên 25.700 người nghe. Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức 2.564 buổi tuyên truyền miệng, 2.700 buổi trên các phương tiện thông tin đại chúng; Sở Y tế tổ chức tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh trên hệ thống loa ở xã được 1.216 lượt; Sở Thông tin và Truyền thông ban hành 02 văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới…
Các hội, đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội Nông dân các cấp tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thông qua các cuộc nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền trực tiếp tại chợ phiên… Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tuyên truyền 2.000 cuộc với sự tham gia của trên 45.000 hội viên tham gia; Ban Dân tộc tỉnh thành lập các tổ truyền thông tại cộng đồng, tổ chức các hội nghị truyền thông cho 400 người,…
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng chú trọng đầu tư trang thiết bị, phương tiện thông tin tuyên truyền; đa dạng hoá các loại hình, tài liệu, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới phù hợp với bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn dân cư; lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới vào các thiết chế văn hóa thôn bản và văn hóa xã; đưa tiêu chí bình đẳng giới vào việc chấm điểm công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và bình xét danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa” hàng năm.
Từng bước thay đổi nhận thức của người dân
Chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quang Bình (Hà Giang) chia sẻ: Hà Giang đang từng bước xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới ở đồng bào DTTS. Đặc biệt, tại huyện Quang Bình, chị em phụ nữ DTTS đã có những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm khi triển khai thực hiện Dự án 8 đối với 73 thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện Dự án 8, Hội LHPN huyện Quang Bình đã cử cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở tham dự nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng và cập nhật thông tin cho tuyên truyền viên, hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động của Dự án do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Cho đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức được 21 lớp tập huấn, bao gồm: 7 lớp hướng dẫn đối thoại cấp xã và cụm thôn bản; 1 lớp tập huấn củng cố nâng cao, thành lập vận hành địa chỉ tin cậy; 2 lớp tập huấn điều tra khảo sát thống kê và triển khai các gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn và chăm sóc trẻ em, 8 lớp tập huấn vận hành tổ truyền thông cộng đồng; 3 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi"… Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân tại địa bàn. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, bà con dân tộc đã được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức, như: Luật Bình đẳng giới; khuôn mẫu giới trong việc nhà; phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Sau khi thành lập các địa chỉ tin cậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực truyền thông, giới thiệu cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng nắm vững thông tin, kỹ năng cần thiết nhằm giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Chị Giàng Thị Mỷ, sinh năm 1991, ở xã Xuân Minh (huyện Quang Bình) cho biết, trước kia, để thuyết phục chồng cho chị tham gia các hoạt động xã hội là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên, từ khi có các hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng, chồng chị đã có nhiều thay đổi rõ rệt trong tư tưởng và hành động. Anh đã biết chia sẻ công việc gia đình để chị có thêm thời gian làm các công tác xã hội ở bản.
Không chỉ chị Mỷ mà nhiều phụ nữ khác ở xã Xuân Minh cũng chia sẻ, sau khi tham gia các buổi truyền thông của tổ truyền thông cộng đồng tại bản, nhiều người chồng đã có sự thay đổi, biết san sẻ công việc lâu nay tưởng chừng như chỉ gắn liền với phụ nữ. Nhiều thói quen cổ hủ dần được xóa bỏ, mang lại sự bình yên cho gia đình và bản làng.
Để thúc đẩy, nâng cao vai trò và phát huy lợi thế của phụ nữ, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Hội LHPN huyện Vị Xuyên, Hội LHPN xã Thanh Thủy đã mạnh dạn sử dụng nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi lợn, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Chị Nông Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Thủy, cho biết: Với ý tưởng phát triển kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm về chăn nuôi lợn đen thương phẩm, Hội đã khảo sát lập tờ trình phê duyệt phương án, quyết định thành lập tổ phụ nữ chăn nuôi lợn đen tại thôn Lùng Đoóc, Cóc Nghè với 35 thành viên. Dưới sự giúp đỡ của Hội LHPN, sản phẩm của tổ hợp tác đã được công nhận và có bao bì, truy xuất nguồn gốc. Qua đó, hàng tháng tiêu thụ trên 10 con, điều này đã giúp tạo đầu ra ổn định và là cơ sở để hội viên vươn lên phát triển kinh tế… góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi các nghĩ cách làm của nhiều chị em DTTS.
Bà Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang cho biết: Với những định kiến đã ăn sâu vào “nếp nghĩ” của người dân nên việc triển khai Dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện tốt hơn, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, như: Triển khai 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em; hỗ trợ phụ nữ DTTS ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS trong sản xuất, đồng thời kết nối thị trường cho các sản phẩn nông sản và khảo sát, thí điểm hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua, bán người; củng cố, nâng cao chất lượng các địa chỉ tin cậy; đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại ở cấp xã và cụm thôn; duy trì hoạt động có hiệu quả các Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”…
Ngoài ra, Hà Giang cũng sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; đưa tiêu chí bình đẳng giới vào việc chấm điểm công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và bình xét, công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”. Triển khai Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tỉnh Hà Giang"; các mô hình, Câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình”, nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, nhằm hỗ trợ, bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em…