Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Lạng Sơn: Đảm bảo sự phát triển bình đẳng của phụ nữ và trẻ em thông qua triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Đức Bình - 06:59, 24/11/2023

Lạng Sơn hiện có trên 150.000 hội viên phụ nữ, trong đó, nữ lao động nông thôn chiếm trên 60%. Từ năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu triển khai Dự án 8, Chương trình MTQG 1719: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại xã Lương Năng, huyện Văn Quan
Mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại xã Lương Năng, huyện Văn Quan

Đây là dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719). Với các nội dung như: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Thúc đẩy bình đẳng giới…

Ngày 26/8/2022, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-BTV về triển khai thực hiện Dự án 8, trong đó triển khai tới các sở, ngành và địa phương để thống nhất nhận thức, quan điểm, cách làm; đề ra các giải pháp phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và các giải pháp thúc đẩy tiến độ triển khai các hoạt động hiệu quả.

Xác định nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã giao chỉ tiêu hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo hằng năm cho các cơ sở Hội, chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cùng cấp, Ban Giảm nghèo của xã để ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phụ nữ tham gia các mô hình sinh kế tại địa phương.

Trong đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh hỗ trợ tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ với các nội dung chính như: Xây dựng thương hiệu; đăng ký tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, hỗ trợ kết nối thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm…

 Hội phụ nữ xã Đề Thám (huyện Tràng Định) trao mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế
Hội phụ nữ xã Đề Thám (huyện Tràng Định) trao mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế

Hội cũng duy trì tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh hằng năm, với các hoạt động thuyết trình, giới thiệu ý tưởng, dự án, trưng bày sản phẩm… Phối hợp tổ chức trên 30 lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho hơn 1.200 cán bộ, hội viên phụ nữ có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Kết nối các chương trình tín dụng chính sách trong hỗ trợ nguồn vốn cho phụ nữ khởi nghiệp với tổng số vốn trên 3,7 tỷ đồng…

Tiêu biểu phải kể đến Dự án Phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ đã đạt giải Nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Đây là Dự án nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới Xứ Lạng của chị Vương Thị Thương, Giám đốc HTX Nông sản Toàn Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng.

Năm 2021, được sự hỗ trợ của Sở Công thương về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, chị Thương đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất. Tổng diện tích xưởng trên 1.000m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và máy gọt vỏ, máy hút chân không…

Năm 2022, HTX đã liên kết tiêu thụ với 10 hộ dân và 2 HTX với tổng diện tích 20 ha hồng trồng theo hướng hữu cơ, sản lượng 160 tấn/năm. Doanh thu năm 2022 đạt 3 tỷ đồng và trong 9 tháng đầu năm 2023 đã đạt 5 tỷ đồng.

Mô hình trên không chỉ giúp phát triển thương hiệu hồng treo gió Lạng Sơn mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc Tày, Nùng thông qua sản xuất, tiếp thị các sản phẩm hồng treo gió.

Các kết quả trên là minh chứng rõ nét cho sự phát triển, tự tin vươn lên của các hội viên phụ nữ tỉnh Lạng Sơn nói chung trong phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nhất là phụ nữ vùng đồng bào DTTS.

 Mô hình hồng vành khuyên treo gió của chị Vương Thị Thương - HTX Nông sản Toàn Thương
Mô hình hồng vành khuyên treo gió của chị Vương Thị Thương - HTX Nông sản Toàn Thương

Không chỉ tập trung hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn còn triển khai nhiều nội dung thuộc Dự án 8 như: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em…

Ngày 24/8/2023, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã cho ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại xã Lương Năng, huyện Văn Quan. Đây là mô hình điểm đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng; mục đích tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự.

Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn cho biết: Theo kế hoạch, 55 mô hình "Địa chỉ tin cậy" sẽ thực hiện tại các xã vùng khó khăn của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025. Hội LHPN các cấp trong tỉnh đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.