Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Giang: Nhiều khó khăn trong năm học mới cần có giải pháp khắc phục

Vũ Mừng - 10:35, 10/09/2024

Mới đây, tại Phiên họp thứ II, Ban Chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục Hà Giang giai đoạn 2023-2030 đã nêu lên nhiều vấn đề còn tồn tại, thách thức đối với giáo dục Hà GIang, trong đó, là tình trạng thiếu trên 2.000 giáo viên trước thềm năm học mới cần có giải pháp khắc phục.

Phiên họp có sự tham gia của lãnh đạo thường trực Tỉnh ủy Hà Giang, các thành viên trong Ban chỉ đạo cùng đại diện các sở ban, ngành liên quan
Phiên họp thứ II của Ban Chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục Hà Giang có sự tham gia của Lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, tính đến 30/7, toàn tỉnh có 807 cơ sở giáo dục (giảm 8 cơ sở giáo dục so với tháng 6 do sáp nhập các trường tiểu học và THCS), 1.192 điểm trường (giảm 195 điểm trường so với cùng kỳ năm học 2022 – 2023), 202 lớp ghép (giảm 75 lớp ghép so với cùng kỳ năm học trước).

Các huyện, thành phố đã thành lập 6 trường THCS trọng điểm về chất lượng giáo dục; hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn cho 1.031 giáo viên các cấp; có 93,13% số giáo viên toàn tỉnh đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, tính đến tháng 6/2024, có 66,04% phòng học đạt tỷ lệ kiên cố. 31,49% là phòng bán kiên cố và 2,46% là phòng học tạm. Số lượng thiết bị dạy học tối thiểu bậc mầm non đạt 46,9%, bậc tiểu học đạt 46,4%, THCS đạt 43,1%, THPT đạt 54,1%.

Năm học 2023 – 2024 toàn tỉnh Hà Giang có 20 học sinh đạt giải Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, tăng 15 học sinh so với năm học trước; 2 dự án đạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh cấp quốc gia năm học 2023 – 2024; 1.040 học sinh đạt giải Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang Bùi Quang Trí báo cáo kết quả hoạt động quý II của BCĐ
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang Bùi Quang Trí báo cáo kết quả giáo dục tại Phiên họp

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Hà Giang đạt 97,53%, tăng 3,28% so với năm 2023 với điểm trung bình các môn thi đạt 5,68, tăng 0,44 điểm so với năm trước. 1 giáo viên đạt giải trong cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử toàn quốc dành cho giáo viên tiếng Anh…

Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 340/601 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 56,57%.100% các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục thực hiện đầy đủ, hiệu quả chương trình giáo dục mầm non. 100% trẻ dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt.

Tuy nhiên, giáo dục Hà Giang cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, như tỷ lệ trường học trên địa bàn tỉnh có nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn còn chiếm 54,4%. 688/8.172 giáo viên được đánh giá năng lực không đạt, chiếm 8,42%.

Điểm trung bình các môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục của Hà Giang còn nhiều thiếu thốn, chưa đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, toàn tỉnh còn thiếu trên 2.000 giáo viên so với quy định.

Công tác đánh giá học sinh giữa kết quả cuối năm và kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 có sự chênh lệch lớn; việc tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng học sinh và giáo viên chưa hiệu quả…

Tại Phiên họp của Ban Chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023-2030, Phiên họp quý II năm 2024, các huyện, thành phố và thành viên trong Ban Chỉ đạo đã tập trung bàn thảo tìm giải pháp khắc phục khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, xóa lớp ghép, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục cho các trường học, đảm bảo chế độ chính sách đối với giáo viên, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giáo viên và các nhiệm vụ chuẩn bị cho năm học mới…Trong đó, đề xuất xem xét khắc phục tình trạng thiếu trên 2.000 giáo viên bằng giải pháp dạy và học trực tuyến ở một số môn học.

Ông Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang yêu cầu: Nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng phương pháp dạy và học trực tuyến và việc thống nhất trong toàn tỉnh việc chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên.
Ông Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang yêu cầu: Nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng phương pháp dạy và học trực tuyến và việc thống nhất trong toàn tỉnh việc chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên

Phát biểu tại Phiên họp, ông Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang cho rằng, với đặc thù điều kiện thực tiễn của tỉnh, việc nâng cao chất lượng giáo dục không thể làm một chốc, một lát mà cần có thời gian, bền bỉ, lâu dài và sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Ông Thào Hồng Sơn yêu cầu, ngành Giáo dục cần nghiên cứu tham mưu cho Ban Chỉ đạo và tỉnh xây dựng đề án đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục tỉnh nhà, đặc biệt là khắc phục tình trạng khó tuyển, thiếu đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng phương pháp dạy và học trực tuyến. Cũng như thống nhất trong toàn tỉnh việc chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên.

Thực hiện công khai, minh bạch trong công tác luân chuyển cán bộ; nghiên cứu phương án xây dựng cụm trường liên xã, cụm điểm trường liên thôn vừa giải quyết tình trạng thiếu giáo viên vừa nâng cao chất lượng giáo dục…

Quý III/2024, ngành Giáo dục Hà Giang tiếp tục hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2024 – 2025; xét tốt nghiệp THPT 2024, chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành khung kế hoạch năm học 2024 – 2025; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Tổ chức tuyển dụng và nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên. Khuyến khích phát triển nhóm, lớp tư thục mầm non; quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách, công tác khuyến học, khuyến tài, tuyên dương, khen thưởng học sinh, giáo viên đạt giải cao trong các kỳ thi. Tham mưu cho tỉnh giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Các sở, ngành tham mưu cho tỉnh giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của các trường học và chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên. Các địa phương tiếp tục nghiên cứu giảm các điểm trường, lớp ghép...

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.