Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hà Giang: Vận động người dân xóa mù chữ để xóa nghèo

Đức Bình - 06:22, 15/12/2023

Xác định công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tỉnh Hà Giang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tổ chức nhiều lớp xoá mù chữ, tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học; lồng ghép linh hoạt nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện các chính sách một cách hiệu quả.

Các lớp xoá mù chữ được tổ chức tại các bản vùng cao tỉnh Hà Giang
Các lớp xoá mù chữ được tổ chức tại các bản vùng cao tỉnh Hà Giang

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc với 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các DTTS như: Mông, Nùng, Tày, Dao, La Chí, Pà Thẻn, Lô Lô, Sán Dìu… trình độ dân trí nhiều nơi chưa cao. Với trên 87% dân số là đồng bào DTTS, nhiều thôn bản vùng cao, vùng sâu vẫn còn nhiều người chưa biết chữ. Chưa kể, việc huy động học viên ra lớp, duy trì sĩ số học viên đi học chuyên cần cũng hết sức nan giải do đa số học viên đều là nữ, trong độ tuổi lao động chính của gia đình. Vào mùa nương rẫy, nhiều người thường đi làm xa nhà, xa bản. Một số người do lớn tuổi nên tâm lý của một số học viên còn e dè, xấu hổ khi đi học.

Thực hiện Tiểu Dự án 1 “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS” thuộc Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục và các chế độ hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ mở các lớp phổ cập giáo dục xóa mù chữ vùng đặc biệt khó khăn. Cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo; ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Sui Thầu là thôn vùng cao thuộc xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì có hơn 100 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng, đời sống của người dân trong thôn còn khó khăn, nhiều người chưa biết chữ, nhất là chị em phụ nữ.

UBND xã Chiến Phố đã phối hợp với ngành Giáo dục để mở lớp xóa mù cho người dân. Lớp học gồm có 19 học viên nữ, các học viên đều là phụ nữ từ 30-50 tuổi, là lao động chính ở trong các gia đình.

Chị Lù Thị Chích ở thôn Sui Thầu trước đây không biết chữ nên không đọc được, viết được, không học được các kinh nghiệm làm kinh tế trên sách, báo, tivi… Được cán bộ xã, thôn vận động, chị đã đăng ký tham gia lớp học với mong muốn biết viết được tên mình, đọc được tin nhắn trên điện thoại, giao tiếp bằng tiếng phổ thông. "Đến nay đã biết đọc, biết viết, thuộc bảng chữ cái và làm phép tính đơn giản rồi, tôi vui lắm", chị Chích cho biết.

 Lớp học xoá mù chữ cho đồng bào DTTS tại xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc
Lớp học xoá mù chữ cho đồng bào DTTS tại xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc

Chị Chích phấn khởi cho biết: “Giờ đọc được, viết được rồi nên tôi sẽ cố gắng xem sách, tivi để có thể dần phát triển kinh tế cho gia đình.”

Xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc là xã miền núi đặc biệt khó khăn, có 7 dân tộc cùng sinh sống với 829 hộ dân sống tập trung theo từng nhóm cộng đồng như: Mông, Dao, Cờ Lao, Tày… Trong đó đồng bào Mông chiếm 88%. Do đặc thù vùng sâu, vùng xa nên đời sống của bà con tại đây cũng gặp muôn vàn khó khăn. Thực hiện công tác xóa mù chữ, UBND xã Lũng Chinh đã chỉ đạo Trường PTDTBT Tiểu học Lũng Chinh mở lớp xóa mù chữ ngay tại các thôn bản.

Thời gian gần đây, cứ đều đặn mỗi tối, chị Thò Thị Chở ở thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh lại đến điểm trường tiểu học trong thôn để tham gia lớp học xóa mù chữ do Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Chinh tổ chức. Ban ngày làm nương, tối về thu xếp việc gia đình xong, chị lại lên lớp xoá mù chữ cùng 19 học viên khác đều là đồng bào DTTS sinh sống trong thôn.

Chị Chở chia sẻ: Trước đây, chị học hỏi bán hàng trên mạng xã hội nhưng không biết ghi địa chỉ người mua để gửi hàng, phải nhờ người thân rất bất tiện. Khi nghe tin xã mở lớp xóa mù chữ, chị đã đăng ký tham gia. Mặc dù đã ở cái tuổi khó khăn khi tiếp nhận ngôn ngữ mới nhưng chị và mọi người trong lớp đều cố gắng để biết đọc, biết viết, tính toán thành thạo, từ đó dễ dàng tiếp cận các kiến thức, tăng thêm hiểu biết vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Tại tỉnh Hà Giang, ngoài sự hỗ trợ từ Trung ương, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, của ngành Giáo dục thì công tác xóa mù chữ còn nhận được sự phối hợp của nhiều đơn vị như Bộ đội Biên phòng, Công an, Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên, Người có uy tín trong cộng đồng… Từ đó giúp công tác xoá mũ chữ được thực hiện sâu rộng, đạt hiệu quả cao.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã huy động được gần 8.300 người tham gia học xoá mù chữ. Số người được công nhận đạt chuẩn biết chữ là 2.250 người. Tính đến tháng 6/2023, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ (đạt chuẩn mức độ 1 là 28; mức độ 2 là 165). Từ năm 2013 - 2023, số người trong độ tuổi 15 - 35 biết chữ đạt 97,87%; số người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ đạt 94,42%.

Lớp học xoá mù chữ cho đồng bào DTTS tại thôn Sui Thầu, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì
Lớp học xoá mù chữ cho đồng bào DTTS tại thôn Sui Thầu, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì

Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết: Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang đã tổ chức, triển khai đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về công tác xóa mù chữ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ.

Các trường vùng cao cũng phân công giáo viên dạy xóa mù chữ biết tiếng dân tộc, linh động về thời gian, kết hợp nhiều hình thức giảng dạy để học viên dễ tiếp thu, bố trí thời gian dạy theo nhóm, lớp. Linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian lớp học, sử dụng những đồ dùng học tập bằng những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương để dạy môn toán ở giai đoạn 1 và sử dụng song ngữ (cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) để giảng dạy giúp người học cảm thấy gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.

Để có được kết quả trên, nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia đóng vai trò rất quan trọng, là động lực “tiếp sức” cho địa phương thực hiện các chính sách. Tỉnh Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 duy trì, giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; 80% số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.